Hà Nội: Phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm
Tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển nông nghiệp bền vững |
Hướng đến nền nông nghiệp an toàn
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội vẫn còn diện tích canh tác nông nghiệp rất lớn với khoảng 150 nghìn héc ta. Số liệu thống kê gần nhất cho thấy, lượng hóa chất BVTV mà nông dân Hà Nội sử dụng vào khoảng 1,5kg/ha/năm.
Trong khi con số này của cả nước lên tới gần 10kg/ha/năm. Tại một số huyện trên địa bàn TP Hà Nội, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV thậm chí còn thấp hơn nhiều, đơn cử như: Phú Xuyên 0,25kg/ha/năm, Chương Mỹ 0,3kg/ha/năm… Có thể thấy, so với phần lớn các tỉnh, thành phố trên cả nước, nông dân Hà Nội đang sử dụng thuốc BVTV ít hơn nhiều.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên nhân quan trọng nhất để có được kết quả này là nhận thức của người nông dân đã có sự thay đổi tích cực thông qua việc được trang bị những kiến thức về sản xuất an toàn, thay vì làm nông theo kiểu cha truyền con nối.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hằng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội đều duy trì các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp cho bà con.
Đặc biệt, từ năm 1992, Hà Nội duy trì liên tục các lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), giúp kiểm soát tốt sâu bệnh hại, từ đó hạn chế việc phải sử dụng thuốc BVTV.
Sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao tại huyện Đan Phượng |
Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, ngành nông nghiệp Hà Nội thường xuyên khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV bảo đảm 3 đúng, gồm: Đúng loại thuốc, đúng loại cây trồng và đúng loại sâu bệnh. Nhưng quan trọng nhất là chỉ nên sử dụng khi đến ngưỡng phòng trừ.
“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bà con nông dân đã quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc trong canh tác nông nghiệp. Theo đánh giá, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc tại Hà Nội hiện nay chiếm khoảng 50% tổng lượng.
Dù vậy, để có thể khuyến khích bà con chuyển đổi hoàn toàn sang dùng các sản phẩm thuốc BVTV thân thiện môi trường, vẫn cần thêm thời gian và nỗ lực của các cấp, ban, ngành” – ông Nguyễn Mạnh Phương cho hay.
Theo PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để nông nghiệp Hà Nội phát triển xanh, cần tập trung vào các giải pháp trong trồng trọt và chăn nuôi, như: Sử dụng phân đạm chậm tan, phân bón thông minh; Không đốt phụ phẩm nông nghiệp; Tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt; Sử dụng năng lượng tái tạo (điện từ biogas, pin mặt trời, sấy bằng sinh khối); Chuyển đổi số; Cải thiện khẩu phần ăn cho gia súc nhai lại; Giảm thức ăn công nghiệp và tăng thức ăn hữu cơ; Không sử dụng chất kích thích, chất tạo nạc...
Để thực hiện các giải pháp trên, Hà Nội cần xác định các cây, con có tiềm năng giảm phát thải cao (số lượng nhiều, hệ số phát thải cao như lúa, bò); Xây dựng vùng thích nghi (điều kiện môi trường, đất…) áp dụng giải pháp xanh; Xây dựng các dự án nông nghiệp xanh, phát thải thấp gắn liền với cấp tín chỉ carbon mang lại lợi ích kép cho người sản xuất và tạo thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước...
Quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP Hà Nội cho biết: Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Thành phố đã tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế; Xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Để phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Đan Phượng hiện đang triển khai tái cơ cấu ngành và tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện là 3.652ha, diện tích chuyển đổi sang cây trồng cho hiệu quả, giá trị kinh tế cao đạt 1.624,5ha.
Nho Hạ Đen là hướng phát triển kinh tế mới của nhiều nông hộ tại huyện Đan Phượng |
Bên cạnh đó, nhiều mô hình nông nghiệp rau hữu cơ, sản xuất hoa lan hồ điệp, nấm chất lượng cao được mở rộng. Các giống mới, cây con mới được khảo nghiệm thành công và nhân ra diện rộng như: Mô hình nho hạ đen, mô hình tôm thẻ chân trắng. Nông sản và các sản phẩm OCOP được số hóa và quảng bá trên các sàn thương mại điện tử mang lại giá trị, thu nhập cao. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 425 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, hiện trên địa bàn huyện có 13 HTX nông nghiệp được thành lập mới, tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng được 8 nhãn hiệu tập thể cho nông sản, 97 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP; Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 73 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện không có hộ nghèo.
Là xã vùng bãi ven sông Hồng với diện tích đất nông nghiệp còn khá lớn, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng đang phát huy lợi thế để phát triển các mô hình nông sản an toàn, xây dựng thương hiệu, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Xuân Luận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết, phát triển những mô hình, cây con giống mới cho giá trị kinh tế cao theo định hướng du lịch sinh thái trải nghiệm cũng đang được nhiều hộ nông dân vùng bãi ven sông Hồng triển khai. Từ những mô hình thí điểm khi triển khai hiệu quả xã sẽ khuyến khích nhân rộng và có những chính sách hỗ trợ để cho mô hình phát triển.