Hà Nội: Tăng cường biện pháp đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, giảm nguy cơ xảy ra các điểm nóng
Hà Nội phải thực hiện được mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế Năm 2021, Hà Nội phấn đấu đưa GRDP tăng 7,5% |
Theo báo cáo của Viện trưởng Đào Thịnh Cường, về tội phạm, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã khởi tố 8.242 vụ, Viện Kiểm sát (VKS) phê chuẩn quyết định khởi tố 11.684 bị can (tăng 765 vụ (10,2%), 680 bị can (6,2%) so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ/4 bị can (tăng 3 vụ/4 bị can so với cùng kỳ) về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường trình bày báo cáo tại kỳ họp |
Liên quan đến tội phạm về ma túy, VKS đã khởi tố 3.230 vụ/3.941 bị can (tăng 343 vụ), 536 bị can (tăng 15,7%) về các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Đặc biệt, tội phạm về tham nhũng và chức vụ, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội trong năm 2020 đã khởi tố 23 vụ/28 bị can (tăng 1 vụ), giảm 66 bị can (giảm 70,2%), gồm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 19 vụ/12 bị can; Tham ô tài sản 6 vụ/5 bị can; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 2 vụ/2 bị can; Đưa hối lộ 1 vụ/1 bị can, nhận hối lộ 3 vụ/4 bị can và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 2 vụ/4 bị can.
Riêng tội phạm về kinh tế và môi trường, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố đã khởi tố 136 vụ/188 bị can (giảm 29 vụ), 62 bị can (giảm 24,8%). Trong đó, CQĐT đã phát hiện, khởi tố 43 vụ/54 bị can về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; 7 vụ/25 bị can về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; 55 vụ/58 bị can về tội sản xuất, buôn bán và tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; 8 vụ/13 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả và sản xuất, buôn bán hàng gia là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm...
Đối với tội phạm xâm phạm sở hữu, VKS Nhân dân thành phố đã khởi tố 2.937 vụ/2.389 bị can (tăng 237 vụ), giam 191 bị can (tăng 7,4%), trong đó, trộm cắp tài sản 2.009 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 437 vụ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 119 vụ, cướp tài sản 112 vụ, cướp giật tài sản 139 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 73 vụ, cưỡng đoạt tài sản 36 vụ....
Ngoài ra, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội cũng báo cáo về tình hình các vi phạm, tai nạn khác. Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, trong năm 2020 trên địa bàn thành phố xảy ra 547 vụ tại nạn giao thông đường bộ, đường sắt làm 314 người chết và 391 người bị thương; Cơ quan điều tra đã khởi tố 201 vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ để điều tra, xử lý.
Theo báo cáo, tình hình cháy, nổ được kiềm chế và kiểm soát hiệu quả, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp. Trong năm 2020 đã xảy ra 26 vụ cháy, nổ nghiêm trọng làm 8 người chết, thiệt hại tài sản khoảng 22,2 tỷ đồng (giảm 59 vụ, giảm 18 người chết so với cùng kỳ); Cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Riêng về tai nạn lao động, báo cáo cũng cho biết đã xảy ra 20 vụ tai nạn lao động làm 19 người chết, 6 người bị thương, đáng lưu ý là vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng số 16 Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng làm 3 người chết, 1 người bị thương.
Viện trưởng Đào Thịnh Cường đề nghị HĐND, UBND thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai; Quản lý, giám sát chặt chẽ người sau cai nghiện, người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; Giúp người sau cai nghiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái nghiện, giảm các vụ việc vi phạm pháp luật có người phạm tội nghiện ma túy.
Qua thực tiễn năm 2020, số lượng vụ án xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ (tăng 24 vụ, 37,5%), đề nghị HĐND, UBND thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành hai cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả các kiến nghị của đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV tại báo cáo số 45/BC-ĐGS ngày 22/11/2019; Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 17/6/2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện quyết định 1863 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cũng như tiếp tục tăng cường công tác giám sát, kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP đề nghị HĐND, UBND thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho trụ sở của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố và các trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện hiện đang xây dựng để đáp ứng nhu cầu công tác, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp hiện nay.
Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường đã chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, trong đó tiếp tục đề ra các biện pháp, giải pháp để quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức cho Viện KSND hai cấp thành phố khắc phục những tồn tại, hạn chế và phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị công tác của ngành, các Nghị quyết, chương trình công tác của Thành ủy, HĐND thành phố và Kế hoạch của Viện KSND thành phố Hà Nội đề ra.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp ở địa phương nắm chắc tình hình để tham mưu kịp thời với cấp uỷ địa phương triển khai biện pháp đấu tranh, phòng ngừa vi phạm tội phạm, giảm nguy cơ xảy ra các điểm nóng, phức tạp trên địa bàn; Quán triệt, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng VKSND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị; Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ, văn minh công sở của đội ngũ công chức, Kiểm sát viên; Đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; Hoàn thiện, đưa vào sử dụng phần mềm quản lý án hình sự tập trung và các phần mềm khác tại hai cấp VKS thành phố.