Hà Nội: Thanh tra đột xuất các cơ sở nước uống đóng chai
TTTĐ – Nhằm lập lại trật tự thị trường nước uống đóng chai vốn “bát nháo” lâu nay, tháng 8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội sẽ tổ chức đợt cao điểm tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở nước uống đóng chai từng có vi phạm, thẩm định lại các cơ sở đã được cấp phép, đồng thời thanh tra đột xuất tại một số nơi, lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường.
“Bát nháo” và khó kiểm soát
Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 455 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Tuy nhiên, theo phản ánh của dư luận, thị trường nước uống đóng chai hiện phát triển rất “bát nháo”. Trung tuần tháng 5-2016, Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã phát hiện Công ty Đầu tư công nghệ và thương mại quốc tế Thiên Nhu (tại tổ 2 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai), có dấu hiệu làm giả nhãn mác và sử dụng axít sunfuric, soda trong quá trình tẩy rửa bình nước lọc.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này sản xuất 3 nhãn hiệu nước gồm Fancy, Miru và Lavijoy. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở mới xuất trình được đăng ký kinh doanh, không xuất trình được giấy cam kết bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đăng ký nhãn mác và sử dụng bao bì, không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong tháng 5-2016, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã công bố danh sách 17 cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình vi phạm quy định về ATVSTP; một số cơ sở sản xuất nước uống đóng chai bị đóng cửa. Riêng tại quận Long Biên, từ đầu mùa hè đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 26 lượt/23 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở, yêu cầu 4 cơ sở ngừng hoạt động để hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất và giấy tờ pháp lý theo quy định. Tại huyện Gia Lâm, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra đối với 22/26 cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn, kết quả là 1 cơ sở bị phạt hành chính, 2 cơ sở phải đóng cửa do lỗi vi phạm quy định về ATTP.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, hiện nay, thị trường nước uống đóng bình, đóng chai ẩn chứa nguy cơ mất ATVSTP, chưa được kiểm soát tốt. Theo quy định, nếu sử dụng nước giếng để sản xuất nước uống đóng bình thì bước đầu phải kiểm định 14 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh. Bước tiếp theo, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc, nước phải bảo đảm 28 chỉ tiêu trước khi được chiết vào bình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình không thực hiện đầy đủ quy định nói trên, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước uống, nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt
Trước tình hình trên, ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho rằng, không phải đến bây giờ mà ngay từ đầu mùa hè, Chi cục ATVSTP, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và sản xuất nước đá dùng liền. Tính đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đối với 319/455 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Kết quả cho thấy, các cơ sở đã có sự cải thiện về cơ sở vật chất, hồ sơ pháp lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn có không ít cơ sở vi phạm - chủ yếu là những cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn chưa được đầu tư thỏa đáng. Đơn cử như có nơi vẫn để thành phẩm trên sàn nhà, việc làm sạch bình và đóng bình được thực hiện theo phương pháp thủ công nên không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh. Ngoài ra, việc ghi chép lịch trình vận hành hệ thống lọc chưa được thực hiện nghiêm, nhiều cơ sở chưa kịp thời kiểm nghiệm định kỳ thành phẩm cũng như nguồn nước sử dụng cho sản xuất (nguồn nước giếng khoan)…
Để lập lại trật tự thị trường nước uống đóng chai vốn “bát nháo” lâu nay, tháng 8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội sẽ tổ chức đợt cao điểm tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở nước uống đóng chai từng có vi phạm, thẩm định lại các cơ sở đã được cấp phép, đồng thời thanh tra đột xuất tại một số nơi, lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường.
Ông Trần Ngọc Tụ cho biết, thanh tra Chi cục ATVSTP đang bắt đầu tiến hành đợt hậu kiểm đối với các cơ sở có vi phạm nói trên. Những cơ sở cố tình vi phạm, tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm và danh tính sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Mới đây, đoàn kiểm tra của Chi cục ATVSTP Hà Nội đã tiến hành hậu kiểm tại một số cơ sở nước uống đóng chai và phát hiện các hành vi vi phạm vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, Công ty TNHH Trọng Thái (số 6, ngõ 318, phố Ngọc Trì, Thạch Bàn, Long Biên) - mỗi ngày xuất ra thị trường 200-300 bình nước, chủ yếu phục vụ người dân quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Đây cũng là cơ sở từng 2 lần bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì vi phạm quy định về ATVSTP (lần thứ nhất là vào năm 2009 và lần thứ hai là vào tháng 4-2016). Dù đã khắc phục một số lỗi vi phạm nhưng tại thời điểm đoàn thanh tra Chi cục ATVSTP Hà Nội tái kiểm tra đột xuất, cơ sở này vẫn bị nhắc nhở do khu vực đựng vỏ bình rất lộn xộn, mặt bằng lênh láng nước do hệ thống xử lý chưa hiệu quả… Đoàn thanh tra đã yêu cầu cơ sở khẩn trương khắc phục triệt để những tồn tại nêu trên.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để chấn chỉnh tình trạng "bát nháo" của thị trường nước uống đóng chai, việc tăng cường hậu kiểm là vô cùng quan trọng. Bởi hiện nay, không chỉ có cơ sở hoạt động “chui” mới đưa ra thị trường những sản phẩm mất an toàn, ngay cả những cơ sở được cấp phép cũng có sai phạm. Một số cơ sở thực hiện tốt quy định khi cơ quan chức năng thẩm định để cấp giấy phép, nhưng khi có được quyền sản xuất rồi thì không tuân thủ nghiêm túc nữa.
Trước một thị trường nước đóng chai “muôn hoa đua nở” như hiện nay, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội khuyến cáo: Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần tỏ thái độ kiên quyết không chọn mua các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không có địa chỉ rõ ràng, không công bố chất lượng sản phẩm và không có giấy phép đủ điều kiện ATVSTP. Đó chính là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Phương Uyên