Hà Nội thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Bài liên quan
Kiểm tra công tác sản xuất nông nghiệp và phòng chống dịch bệnh tại Thạch Thất
Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân, tăng cường phòng chống dịch
Thạch Thất: Hỗ trợ người dân trồng và chăm sóc cây khoai tây vụ Xuân
Sau hai đợt xả nước, Hà Nội vẫn chưa lấy đủ nước gieo cấy
Tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ thủy điện để gieo cấy
164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Hà Nội là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thống kê đến nay, toàn thành phố đã có 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình nuôi trồng thủy sản. Hà Nội cũng đã có doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nấm.
Đặc biệt, giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau hữu cơ cho thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm, trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 0,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.
Đơn cử, Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một minh chứng rõ nét về sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất truyền thống sang mô hình công nghệ cao. Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Duy Năm cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có hơn 10ha trồng các loại hoa, cây cảnh, trong đó lan hồ điệp là loài hoa chủ lực với 90.000 cây được bán ra thị trường mỗi năm.
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân |
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi hoa Hà Nội, hợp tác xã đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể là xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới rộng hơn 1.000m2; lắp đặt hệ thống điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng để hoa nở vào đúng dịp lễ, Tết. Nhờ đó, mô hình đã mang lại thu nhập cho hợp tác xã từ 1,8 đến 2 tỷ đồng/năm/ha. Trước đây cũng vùng đất này, nông dân trồng lúa, hoa màu cho thu nhập chỉ khoảng 100-150 triệu đồng/ha/năm.
Có thể nhận định rằng, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có sự phát triển đáng ghi nhận nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, tăng trưởng nông nghiệp chưa cao. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều bất cập. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất vẫn hạn chế... Do vậy, Hà Nội chưa có nhiều mặt hàng nông sản mang thương hiệu lớn, vững vàng trên thị trường quốc tế.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Toàn thành phố mới chỉ có gần 1.500ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên đến 150.000ha. Nguyên nhân là do vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất lớn, doanh nghiệp chưa mặn mà để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, nông dân cũng chưa quen với việc sử dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp
Nhằm hướng tới phát triển một nền nông nghiệp bền vững, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng và phát triển 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong các nhóm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản. Bên cạnh đó là 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật. 40 nông sản đã được cấp nhãn hiệu bảo hộ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ tại huyện Hoài Đức (300ha), quận Hà Đông (76ha), vùng ven bãi sông Hồng huyện Mê Linh (105ha), huyện Đan Phượng 33ha (xã Song Phượng, xã Đồng Tháp), huyện Phúc Thọ (200ha), huyện Sóc Sơn (70ha), huyện Ba Vì (300ha), thị xã Sơn Tây (80ha).
Đồng chí Chu Phú Mỹ cũng nhấn mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp tích cực với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, cách làm, để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp. Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó sẽ có 600ha trồng rau, hoa, 460ha trồng cây ăn quả...
Hà Nội đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Theo ông Chu Phú Mỹ, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, đất đai thì nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt. Vì vậy, các trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu thế; tạo ra các công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chủ trương của Hà Nội là hạn chế hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Thay vào đó, sẽ chú trọng tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, trong đó, có tích tụ ruộng đất. Đây cũng là vấn đề này đang được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm. Trên cơ sở Nghị định số 01/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 19/TT-BNNPTNT về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm. Đây là cơ sở thuận lợi để Hà Nội triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án thí điểm tích tụ đất đai, trình UBND thành phố xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa nông hộ, các hợp tác xã và doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm quyền và lợi ích hài hoà cho các bên tham gia.
Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là một giải pháp cấp bách để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao chất lượng nông sản. Việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp còn góp phần giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, lại an toàn với môi trường, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Vì thế, làm tốt nhiệm vụ này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở tất cả các địa phương.
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội