Tag

Hà Nội và những điều tử tế

Tuổi trẻ học và làm theo Bác 04/09/2023 08:00
aa
TTTĐ - Hà Nội gây thương nhớ không chỉ bởi khung cảnh đẹp, góc phố nên thơ hay những món ăn nổi tiếng... Hà Nội làm cho người ta say đắm và níu chân du khách còn bởi chính sự tử tế; đặc biệt từ những việc làm tốt, nhân ái của những người trẻ…
Sĩ tử Hà Nội tự tin bước vào kỳ thi lớp 10

Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu loạt bài viết: "Hà Nội và những điều tử tế" để người đọc hiểu hơn về thành phố thân yêu - Nơi lắng hồn núi sông, nơi lòng người luôn rộng mở, ắp đầy nhân ái, yêu thương...

Bài 1: Quán cơm “đổi lấy” nụ cười bệnh nhân ung thư

Chỉ với 2.000 đồng đã có thể mua được một suất ăn đầy đủ dinh dưỡng gồm thịt, cá, rau xanh, hoa quả tráng miệng… Điều ngỡ chỉ có trong mơ ấy lại có thật tại “Quán Nụ cười Shinbi – cơm 2k” (284 tập thể Trạm Bơm Yên Xá, Tân Triều, Thủ đô Hà Nội). Mỗi ngày quán cơm này cung cấp gần 300 suất ăn cho bệnh nhân và người nhà đang điều trị tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều).

Những suất ăn ấy được tạo nên từ tấm lòng của vợ chồng anh Võ Tiên Lâm và chị Nguyễn Trà My (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng rất nhiều tình nguyện viên và các mạnh thường quân. Đó là món quà của sự tử tế.

Bữa cơm của gia đình

16h30 "Nụ cười Shinbi" mới bắt đầu bán hàng nhưng từ sớm đã có nhiều thực khách đến ăn. Nhiều người trong số họ, đầu chẳng còn tóc bởi tác dụng của những đợt xạ trị. Có người trên tay vẫn còn băng vết kim truyền, thậm chí khuôn mặt còn nét của những cơn đau do bệnh tật hành hạ. Tuy nhiên, khi đến Quán "Nụ cười Shinbi – cơm 2k" họ tạm quên đi bệnh tật, hòa mình vào những cuộc trò chuyện rộn tiếng cười.

Hà Nội và những điều tử tế
Chị Nguyễn Trà My (thứ hai từ trái sang) trò chuyện cùng bệnh nhân ung thư

Nhiều tuần nay, chiều nào bà Nguyễn Thị Học (quê ở Trực Ninh, Nam Định) cũng đến đây ăn cơm. Bà Học cho biết, giữa năm 2022, trong một lần đi khám sức khỏe bà phát hiện bị bệnh ung thư đại tràng. Cũng từ đó, bà khăn gói lên Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) điều trị. Mỗi đợt điều trị dài, ngắn khác nhau, chưa kể tiền thuốc, tiền thuê trọ, ăn uống đã rất tốn kém.

Ở nhà hai vợ chồng tôi chỉ làm ruộng. Tôi có bốn đứa con nhưng chúng cũng rất khó khăn. Mỗi lần tôi lên viện điều trị, một đứa phải tạm nghỉ việc lên cùng. Gần một tháng nay, tôi được mọi người mách cho quán cơm này nên dù có đi xa một chút cũng đến bởi chẳng nơi đâu có thể mua được một suất cơm ngon, sạch sẽ như vậy với giá 2.000 đồng”, bà Học chia sẻ.

Bà Học cũng nhẩm tính, giá một suất ăn ở ngoài là 30.000 đồng. Tiền ăn ở ngoài 3 ngày đủ cho bà ăn một tháng ở đây. “Với giá 2.000 đồng thì mua được gì khi mọi thứ đều tăng giá. Đây là tấm lòng của anh chị chủ quán cùng những nhà hảo tâm muốn giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật. Thật không ngờ ở đất Thủ đô lại có quán cơm ý nghĩa như thế này”, bà Học nghẹn ngào chia sẻ.

Hà Nội và những điều tử tế
Những bệnh nhân và người nhà đến đây được ăn bữa cơm như ở nhà

Lặn lội từ Yên Bái xuống Hà Nội chữa bệnh ung thư phổi, nỗi lo của ông Hoàng Xuân Đam cũng là chi phí chữa chạy bởi ông đã nhiều tuổi, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Khuôn mặt khắc khổ của ông giãn ra, nhẹ nhõm khi đón nhận suất ăn đầy đủ, sạch sẽ chỉ với giá 2.000 đồng.

“Cơm ở đây ngày nào cũng đổi món, ngon như cơm ở nhà nấu vậy. Cơm vừa rẻ mà mọi người ở đây rất quan tâm, thường xuyên hỏi thăm trò chuyện. Những bệnh nhân như chúng tôi cảm thấy rất vui khi được quan tâm như vậy và có thêm động lực để chống lại bệnh tật”, ông Đam cho biết.

Không chỉ bà Học, ông Đam mà rất nhiều bệnh nhân và người nhà của họ đã trở thành những khách quen của “Nụ cười Shinbi”. Những người đồng cảnh ngộ mách cho nhau nên quán ngày càng đông. Cả một khoảng sân và không gian trong nhà mọi người đều ngồi kín. Mỗi người một hoàn cảnh, một vùng quê, căn bệnh khác nhau nhưng nhờ “Nụ cười Shinbi” họ được ngồi chung bàn. Nhờ những bữa ăn mà họ được biết nhau, đã biến khoảng cách từ xa lạ trở thành thân quen. Những bữa cơm chiều của những hoàn cảnh khó khăn thành bữa cơm ấm áp như với gia đình.

Ở đây, nụ cười được đổi lấy nụ cười và những bệnh nhân ung thư có thêm niềm vui, động lực để chiến đấu với bệnh tật.

Quán cơm Shinbi đã mang đến nụ cười cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Ảnh. TL
Quán cơm Shinbi đã mang đến nụ cười cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Ảnh. TL

Hy sinh thời gian cho gia đình dành cho người bệnh

Dành tâm huyết cho “Nụ cười Shinbi” nên hầu hết thời gian của anh Tiên Lâm và chị Trà My ở quán. Cũng rất lâu rồi, anh chị không nấu cơm chiều ở nhà mà cả gia đình ăn cơm ở quán cùng những người bệnh. Hy sinh khoảng thời gian cho gia đình để dành cho những người bệnh nhưng anh chị luôn cảm thấy hạnh phúc, ý nghĩa khi cùng nhau song hành trên hành trình thiện nguyện.

Chủ quán “Nụ cười Shinbi” là vợ chồng anh Võ Tiên Lâm và chị Nguyễn Trà My (ở Thanh Xuân, Hà Nội). Theo chị My, tiền thân của “Nụ cười Shinbi” là quán cơm cùng mô hình với tên gọi “Yên vui Tân Triều”. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quán đã không thể tiếp tục hoạt động được nữa nên hai vợ chồng chị đã quyết định thuê lại quán này để tiếp tục vận hành, phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cơ duyên bắt nguồn từ đợt cao điểm dịch COVID-19, khi đó hai vợ chồng chị My hỗ trợ tại quán cơm “Yên vui Tân Triều” với vai trò là những tình nguyện viên. Gắn bó với công việc này, được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, thấy họ kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư, chắt chiu từng đồng lo tiền viện phí... trong lòng anh chị cảm thấy vô cùng xót xa. Anh chị càng đau đáu hơn khi quán ăn nhỏ này đã thân thuộc với anh chị như một gia đình phải dừng hoạt động. Những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn mất một điểm hỗ trợ.

Những tình nguyện viên của quán. Ảnh TL
Những tình nguyện viên của quán. Ảnh TL

Vì vậy, anh chị đã quyết định thuê lại địa điểm này tiếp nối hành trình thiện nguyện. “Lúc đầu khi lấy lại quán vợ chồng mình suy nghĩ rất nhiều nhưng gần một tháng nay chúng mình nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ người bệnh dành cho hai vợ chồng và tình nguyện viên. Nhìn nụ cười của những người bệnh vợ chồng mình và tình nguyện viên đều cảm thấy ấm lòng”, chị My chia sẻ.

Chị My cho biết thêm, khi vận hành quán, vợ chồng chị gặp nhiều thuận lợi đó là sự ủng hộ của bạn bè và những tấm lòng hảo tâm, đặc biệt, là một người bạn đang làm trong lĩnh vực nha khoa. Với số tiền tài trợ gần 20triệu/tháng, đủ chi phí trả tiền thuê nhà, trả lương cho đầu bếp, giúp quán có thể duy trì tốt. Chính vì vậy, vợ chồng chị My đã đặt tên quán cơm là Nụ cười Shinbi để tri ân người bạn đó. Ngoài ra, “Nụ cười” còn mang thông điệp hi vọng mọi người dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất thì hãy luôn giữ nụ cười trong tim.

Nhiều người thắc mắc, tại sao lại là 2.000 đồng/suất cơm? Vợ chồng anh Lâm, chị My cho biết xuất phát từ việc tôn trọng mọi người, để họ có cảm giác ăn vẫn trả tiền và không phải mắc nợ ai. Quá trình làm việc tại quán, có những kỷ niệm vợ chồng anh chị chẳng thể nào quên. Nhiều câu chuyện rất vui và ý nghĩa, các cô chú thường đi cùng nhóm với nhau và một người đã đứng ra đưa 10.000, 20.000 đồng để trả tiền và nói “hôm nay tôi mời nhé”, “hôm nay tôi bao nhé”, nghe rất đáng yêu. Với những người bình thường, việc mời nhau đôi khi không dễ dàng, với người bệnh khó khăn chồng chất thì đó là niềm vui lớn và ý nghĩa.

Quán lúc nào cũng rất đông thực khách
Quán lúc nào cũng rất đông thực khách. Ảnh TL

Để có các suất cơm ngon lành trao đến tay người bệnh, các thành viên của quán đã phải sơ chế nguyên liệu từ sáng, nấu cơm từ trưa, dọn dẹp và bày biện bàn ghế từ đầu giờ chiều. Đồng hành với vợ chồng anh Tiên Lâm, chị My là rất nhiều các tình nguyện viên.

Hoàn cảnh của họ cũng rất khác nhau nhưng chung một tấm lòng muốn giúp đỡ người bệnh. Đó là anh Nguyễn Thắng Dương (một người hàng xóm của Nụ cười Shinbi), dù bản thân bị khuyết tật nhưng anh vẫn năng nổ nhận nhiệm vụ vận chuyển 30 suất cơm, canh từ quán sang cổng sau Bệnh viện K (Tân Triều) để gửi tới những bệnh nhi. Đó là hai mẹ con chị Nguyễn Thị Mai Hương sẵn sàng gác công việc của bản thân đến phụ bếp. Đồng hành cùng anh chị còn có bà Bính (79 tuổi) hay bạn Lan Anh có mặt từ ngày mở quán và đến nay chưa vắng buổi nào.

Họ những con người với việc làm bình dị đang lan tỏa đi thông điệp của những điều tử tế, tình yêu thương con người. Ở “Nụ cười Shinbi”, hình như mọi người đều được “chữa lành” trong một không gian chậm, có chút bình yên và ấm áp. Mọi người thong thả ăn hết một khay cơm, thong thả ngồi trò chuyện với nhau, đôi khi cười đùa, thư giãn.

Vì những buổi chiều bình yên và ấm áp như thế, vợ chồng anh Lâm, chị My và những tình nguyện viên cũng không cảm thấy vất vả hay mệt nhọc. Chỉ có điều, để duy trì và kéo dài những niềm vui bé nhỏ mà ý nghĩa ấy, họ cần thêm những tấm lòng thơm thảo đồng hành, để không chỉ gần 200 suất ăn đến với người bệnh mà là 350-400 suất mỗi ngày như điều anh Võ Tiên Lâm mong muốn.

(Còn nữa)

Tin liên quan

Đọc thêm

Bài 2: Từ người phụ dọn dẹp đến nữ sinh khoa học công nghệ Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Bài 2: Từ người phụ dọn dẹp đến nữ sinh khoa học công nghệ

TTTĐ - Xác định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học nên ngay khi vào trường Nguyễn Ngọc Phúc Tiên (trường Đại học VinUni) xin làm ở phòng thí nghiệm của thầy cô. Ban đầu, cô gái trẻ phụ dọn dẹp, cân hóa chất, quan sát thầy cô và anh, chị khóa trên nghiên cứu do chưa có kiến thức và kinh nghiệm.
Ngày hội kết nối đầu tư của thanh niên Thủ đô Tôi yêu Hà Nội

Ngày hội kết nối đầu tư của thanh niên Thủ đô

TTTĐ - Sáng 17/11, tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư năm 2024; Bán kết Cuộc thi thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu lần thứ VII.
Vượt định kiến giới, chinh phục đam mê khoa học Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Vượt định kiến giới, chinh phục đam mê khoa học

TTTĐ - Lựa chọn ngành học vốn được nhiều người cho là thế mạnh của nam giới nhưng nhiều bạn trẻ đã vươn lên giành nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học và được ghi danh với giải thưởng “Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam”. Các nghiên cứu của họ mang lại gia trị tích cực cho cộng đồng, góp phần phát triển nền khoa học nước nhà.
Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát huy phẩm chất sáng tạo Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát huy phẩm chất sáng tạo

TTTĐ - Anh Ngô Văn Cương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn nhận định, sáng tạo là thế mạnh của thanh niên. Sáng tạo ra những giá trị mới, đột phá là nền tảng giúp đất nước thực hiện nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết những vấn đề của chính thanh niên hoặc những vấn đề mà đất nước, xã hội đang cần.
Hàng triệu người dân được khám bệnh bằng AI Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Hàng triệu người dân được khám bệnh bằng AI

TTTĐ - “Tôi năm nay 70 tuổi, mắc một số bệnh như tiểu đường, rối loạn tiền đình… Khi có thông báo được khám bệnh miễn phí với máy móc công nghệ hiện đại, đội ngũ thầy thuốc trẻ ở các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố, tôi đã đến đây. Nhận được sự quan tâm, nhiệt tình của các y, bác sĩ, tôi rất phấn khởi”.
Lan toả câu chuyện xúc động, ấm áp về những thầy cô đặc biệt Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Lan toả câu chuyện xúc động, ấm áp về những thầy cô đặc biệt

TTTĐ - Gặp lại học trò cũ, thấy em đã có những thành công, thầy giáo Trần Đại Lượng (công tác tại Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an, vô cùng xúc động. Đây là cuộc hội ngộ bất ngờ, với những nụ cười tươi và cả giọt mắt hạnh phúc.
Đại hội Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông nhiệm kỳ 2024 - 2027 Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Đại hội Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông nhiệm kỳ 2024 - 2027

TTTĐ - Đại hội Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2024 - 2027 đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Mỗi thanh niên là một đại sứ, cầu nối văn hóa ra thế giới Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Mỗi thanh niên là một đại sứ, cầu nối văn hóa ra thế giới

TTTĐ - Tối 14/11, đoàn đại biểu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản trên tàu SSEAYP đã có buổi gặp mặt và đối thoại với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Hoạt động như là lời chào, thể hiện sự hiếu khách của thành phố mang tên Bác đối với bạn bè quốc tế.
Để người trẻ hiểu thêm về Logistics và vận tải xanh... Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Để người trẻ hiểu thêm về Logistics và vận tải xanh...

TTTĐ - Chiều 14/11, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Thương mại hóa các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực Giao thông vận tải - Logistics” tại trường Đại học Giao thông vận tải.
Nữ sinh “Vật liệu” Phenikaa xuất sắc trên đấu trường tri thức Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Nữ sinh “Vật liệu” Phenikaa xuất sắc trên đấu trường tri thức

TTTĐ - Bùi Hạnh Nhung (Sinh năm 2002) - sinh viên năm cuối, ngành Công nghệ vật liệu, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa đã xuất sắc trở thành một trong 20 nữ sinh viên tiêu biểu nhận giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024.
Xem thêm