Hà Nội "vượt bão" tạo bứt phá
Vì sao Hà Nội có thể làm nên điều kỳ diệu đó? Đâu là những “bí quyết” để Hà Nội “đạp gió, rẽ sóng” đi lên? Trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo Tuổi trẻ Thủ đô về câu chuyện đằng sau những kết quả nổi bật của thành phố trong năm qua.
HĐND thành phố Hà Nội: “Thương hiệu” hình mẫu, điểm sáng của cả nước Xuân về, Hà Nội trọn niềm vui! |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ |
Tinh thần “góp gió thành bão” tạo nên kỳ tích
- Năm qua, cùng với Việt Nam, TP Hà Nội là điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn cách mà thành phố đã vượt lên khó khăn để giành những kết quả quan trọng trong năm 2020?
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Năm 2020 là một thách thức vô cùng lớn với Hà Nội. Với đại dịch Covid-19, chỉ cần sơ xuất nhỏ là toàn thành phố sẽ bị tê liệt. Vì vậy, chúng tôi luôn quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”. Đến nay, Thành ủy vẫn xác định ưu tiên chống dịch là trên hết, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Chỉ thị về thực hiện “mục tiêu kép” (Chỉ thị 31-CT/TU ngày 3/4/2020), hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về phòng chống Covid-19.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng trong huy động các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 được phát huy tối đa từ cấp thành phố tới từng chi bộ thôn, xóm, cộng với sự hưởng ứng, đồng lòng và sự tự giác của Nhân dân, đã góp phần nhanh chóng truy vết, ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch.
Tính lũy kế tới cuối năm 2020, thành phố có 198 ca mắc Covid-19, chưa có ca mắc tử vong. Tới nay, đã trải qua gần 140 ngày liên tiếp Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới tại cộng đồng.
Trong phát triển kinh tế, thành phố tận dụng từng cơ hội dù là nhỏ nhất với tinh thần “góp gió thành bão”, “ngoại thành chi viện cho nội thành”, để duy trì sự tăng trưởng của kinh tế, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội của thành phố.
Khi Covid-19 xuất hiện ở Hà Nội, đã có một số nơi đình chỉ các công trình xây dựng để phòng, chống dịch. Khi biết thông tin này, thành phố phải điều chỉnh ngay. Địa bàn, khu vực nào bảo đảm an toàn phòng dịch tốt thì vẫn duy trì hoạt động xây dựng, chỉ cấm những địa bàn có dịch hoặc các dự án, công trình không bảo đảm yêu cầu phòng dịch. Từ đó, các hoạt động được tiến hành đồng bộ trên khắp địa bàn thành phố trong điều kiện “bình thường mới”, tạo ra những bứt phá mới, duy trì mức tăng trưởng chung.
Ngay sau khi cả nước dỡ bỏ giãn cách xã hội ở đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Thủ đô.
Với quyết tâm lớn, việc chuẩn bị khẩn trương và kỹ lưỡng, hội nghị đã thu hút hơn 2.000 đại biểu quốc tế và trong nước tham dự. Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD), với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD); Ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD; Công bố tại hội nghị danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD).
Thành công của kinh tế Hà Nội năm 2020 không chỉ được thể hiện ở hội nghị đặc biệt này mà còn ở kết quả tăng trưởng tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước; Thu ngân sách vượt dự toán hơn 2%, đạt gần 285.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2019. Đặc biệt, nguồn thu nội địa bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chiếm 93% thu ngân sách.
Sinh thời, Bác Hồ đã nhắn nhủ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Hà Nội phải gương mẫu với cả nước. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cũng nói: “Hà Nội yêu cầu phải cao hơn các địa phương khác”. Đây chính là động lực, mục đích phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố trong mọi thời kỳ.
Quyết liệt giải các “bài toán khó”
- Ngoài những kết quả đạt được trong thực hiện “nhiệm vụ kép” thì trong năm qua, Hà Nội cũng đã giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc nhiều năm, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Xin đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố đã tháo gỡ các “nút thắt” này như thế nào?
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Thành phố đã thống kê được 20 vấn đề dân sinh nổi cộm cần xử lý, trong đó có các vấn đề về ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị...
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã chủ động mời Ban cán sự Đảng của 10 Bộ, ngành làm việc, không chỉ để góp ý vào các kế hoạch, chiến lược phát triển của Thủ đô trong 5 năm, 10 năm tới mà còn để tranh thủ sự hỗ trợ và chung tay xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc.
Riêng với Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã cho thành lập tổ công tác chung làm nhiệm vụ đôn đốc tiến độ dự án. Thành phố cũng giao Sở Giao thông vận tải tập dượt, kết nối xe bus công cộng với các tuyến đường sắt này. Hiện nay, dự án đang tiến hành chạy thử trước khi vận hành thương mại.
Ngoài ra, việc xử lý sai phạm nhà 8B Lê Trực tới nay đã kết thúc. Trước rất nhiều áp lực nhưng với chỉ đạo kiên quyết, các sở, ngành và quận Ba Đình đã hoàn thành việc xử lý sai phạm, trao trả mặt bằng cho chủ đầu tư và hai bên đã thống nhất các phương án xử lý, tạo điều kiện nhanh nhất cho người mua nhà đến ở trước Tết Tân Sửu, cải thiện bộ mặt đô thị, đáp ứng được các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Với Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (trên địa bàn huyện Sóc Sơn), thành phố xác định mục tiêu phải giải quyết bền vững và lâu dài; Thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển rác thải từ các điểm tập kết tới các khu xử lý, không để rỉ nước rác, không để người dân phải chặn xe rác; Rà soát, thực hiện ký kết công khai, minh bạch các hợp đồng đấu thầu, thu gom rác từ năm 2021.
Mới đây, tôi đã tới Nam Sơn và thấy môi trường được cải thiện rất nhiều. Đồng thời, thành phố và chủ đầu tư đang phấn đấu trong quý I/2021 lắp đặt 2 tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện rác Nam Sơn và khoảng tháng 5/2021 vận hành toàn bộ nhà máy, dự kiến xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày, phát ra được 75 - 100 MW điện.
Trong buổi làm việc giữa Thành ủy với Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, Bộ đã ưu tiên đưa các nhà máy điện rác mà Hà Nội đã đăng ký, trong đó có Nhà máy điện rác Nam Sơn bổ sung vào quy hoạch điện 8… Như vậy, mỗi ngày Hà Nội có thể xử lý khoảng hơn 6.000 - 7.000 tấn rác. Việc này vừa giải quyết căn bản được tình trạng đốt rác gây ô nhiễm, vừa hạn chế được chôn lấp rác, lại tạo ra năng lượng điện.
Ngoài những “bài toán khó” đó, khai thác cát sỏi trái phép trước đây cũng là vấn đề rất nhức nhối của Hà Nội. Nhưng trong kỳ họp HĐND cuối năm, thành phố đã chất vấn quyết liệt nội dung này, sau đó xử lý nghiêm một loạt tàu khai thác cát trái phép nên đã tạo ra tính răn đe rất cao.
Lâu nay nhiều người vẫn nói “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, “Hà Nội không vội không xong”. Nhiều vấn đề của thành phố không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tại điều kiện cho người tài được cống hiến, được lắng nghe và tôn trọng
- Không chỉ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, năm 2020 còn là một năm nhiều biến động về nhân sự ở Hà Nội. Xác định đội ngũ cán bộ là nguồn lực vô cùng quan trọng để xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững, thời gian tới, Hà Nội sẽ quan tâm, thực hiện công tác cán bộ theo hướng nào, thưa Bí thư?
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Năm 2020 có nhiều biến động về nhân sự cấp cao của Hà Nội ở cả vị trí Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND thành phố. Vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố đã bầu mới 5 Phó chủ tịch. Bốn Phó Bí thư Thành ủy hiện nay cũng đều là người mới vì các đồng chí cũ dày dặn kinh nghiệm công tác, am hiểu địa bàn đều đến tuổi nghỉ hưu.
Mọi người hình dung, người đứng đầu mà thay đổi thì sẽ khó khăn như thế nào. Bởi vậy, giữ được bình yên cho Thủ đô và để các công việc vận hành bình thường là thách thức rất lớn.
Thành phố luôn xác định, đội ngũ cán bộ là nguồn lực vô cùng quan trọng để xây dựng và phát triển thành phố bền vững. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trẻ có lợi thế hơn vì có sức trẻ, khát vọng và hoài bão lớn hơn. Quan điểm của Hà Nội là phải mạnh dạn giao việc, đào tạo cán bộ trẻ để họ có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, trong cơ cấu nhân sự của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ này, nếu theo tiêu chuẩn của Trung ương thì chưa có nhiều cán bộ trẻ. Ban Chấp hành Đảng bộ có 71 người nhưng chỉ có 6 cán bộ trẻ, chưa đạt tỷ lệ 10%.
Trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, đặc biệt đội ngũ cấp chiến lược của thành phố, nhằm khắc phục tình trạng hẫng hụt về đội ngũ cán bộ như khi các lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ trước cùng lúc nghỉ hưu. Đồng thời, khắc phục tình trạng cán bộ chiến lược không đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, không đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Cùng với đó, thành phố sẽ có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Hà Nội có quan điểm thu hút người tài không phải chỉ là vấn đề trả lương, mà phải cho họ công việc và môi trường làm việc để họ được cống hiến, được lãnh đạo lắng nghe và tôn trọng. Với chính sách lương mới, chúng ta làm theo năng lực và hưởng theo đóng góp. Điều quan trọng là phải tin tưởng đội ngũ ấy và có cách sử dụng cán bộ hợp lý. Với đội ngũ nhân tài này, đừng nghĩ phải đào tạo họ lên quản lý, mà cần tập trung đào tạo chuyên gia.
Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tới đây, Hà Nội sẽ làm gì để vượt qua khó khăn, thách thức và thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra, thưa Bí thư?
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Chúng ta hy vọng sớm có vác-xin phòng dịch Covid-19 nhưng khi chưa có đủ thì rủi ro đối với lĩnh vực này còn rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 và các dịch khác có thể xảy ra trong tương lai vẫn được thành phố xác định là trọng tâm. Với rủi ro như vậy, chắc chắn phải có cách làm khác thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 và giai đoạn 2020 - 2025.
Thành uỷ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Tới đây sẽ rà soát lại để bổ sung, điều chỉnh chiến lược cho ngành du lịch và tái cơ cấu lại ngành này kể cả về môi trường, hạ tầng, doanh nghiệp, sản phẩm du lịch để có nguồn thu đa dạng, bền vững.
Thành phố cũng sẽ bàn và ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa vì Hà Nội được vinh danh là thành phố thiết kế sáng tạo. Yếu tố con người, yếu tố văn hóa Hà Nội cần được coi là một nguồn động lực nội sinh đột phá và quan trọng để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Theo hướng đó, thành phố cần chú trọng đăng cai tổ chức những sự kiện văn hóa tầm cỡ khu vực, thế giới và mang tính thương hiệu riêng của Hà Nội. Trước mắt, năm 2021, Hà Nội được vinh dự đăng cai SEAGAME và PARAGAME.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ có đề án riêng về chỉnh trang đô thị, hiện đại hóa, phát triển kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm, mô hình kinh tế chia sẻ, các ngành nghề dịch vụ cao cấp, tài chính, ngân hàng, logistics, bảo hiểm. Hà Nội đang mong muốn trở thành trung tâm hàng đầu của ASEAN về chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin mạng, trí tuệ nhân tạo - một trung tâm hàng đầu về thương mại.
Muốn triển khai các được các kế hoạch nêu trên, Đảng bộ thành phố đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã nói “Hà Nội yêu cầu phải cao hơn các địa phương khác” nên lần này trong chủ đề Đại hội, Hà Nội đã xác định: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Đây sẽ thành một phương châm xử thế, chứ không chỉ là mục tiêu phấn đấu vì có gương mẫu mới trở thành một Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, gây dựng và củng cố niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí trong Đảng, chính quyền và Nhân dân để xây dựng, phát triển Thủ đô.
Với khí thế, quyết tâm và niềm tin của một mùa xuân mới, một nhiệm kỳ mới, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ thành phố đã đề ra, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!