Hà Tĩnh: Nhiều dự án phòng chống thiên tai chậm tiến độ
Hà Tĩnh: Nhiều dự án chậm giải ngân vốn Ngân sách Trung ương |
Nhiều dự án thi công “rùa bò”
Năm 2023, Hà Tĩnh là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai bão lũ. Để khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp các công trình.
Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 150 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho Hà Tĩnh để thực hiện 7 dự án nâng cấp, sửa chữa, phòng chống sạt lở. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 5 dự án triển khai, đạt tiến độ thấp; 2 dự án đang nằm “trên giấy”.
Theo đó, dự án “Khắc phục sạt lở kênh thượng lưu cống Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh", do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn được cấp là 14 tỷ đồng nhưng hiện chỉ mới giải ngân 4,71 tỷ đồng.
Dự án “Khắc phục sạt lở đường liên xã LX04 từ cầu Hương Đại TDP3, thị trấn Vũ Quang - Giao đường ĐH.81 tại thôn 1 xã Quang Thọ", do UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư, tổng nguồn vốn được cấp 7 tỷ đồng nhưng hiện mới chỉ giải ngân 2,28 tỷ đồng (khối lượng thi công ước tính đạt 25% giá trị xây lắp).
Nhiều dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 nguy cơ chậm tiến độ ở Hà Tĩnh (Ảnh: Văn Chương) |
Dự án “Khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố, đoạn qua xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ”, do UBND huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn được cấp 40 tỷ đồng nhưng hiện mới giải ngân được 1,01 tỷ.
Dự án “Khắc phục cấp bách kè chống sạt lở bờ tả hạ lưu cầu Chợ Vực, xã Cẩm Duệ”, do UBND huyện Cẩm Xuyên làm chủ đầu tư, được cấp vốn 10 tỷ đồng nhưng hiện khối lượng hoàn thành giải ngân mới chỉ 3,79 tỷ đồng (khối lượng thi công ước tính đạt 14% giá trị xây lắp theo hợp đồng đã ký kết).
Tại huyện Hương Khê có 3 dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư gồm: “Khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 5 và thôn 2, xã Hà Linh, huyện Hương Khê”, tổng vốn được cấp 60 tỷ đồng nhưng hiện dự án mới chỉ trên giấy, chủ đầu tư đang mời thầu; dự án “Khắc phục, sửa chữa đập Cây Sắn, xã Gia Phố”, tổng nguồn vốn 7 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 1,77 tỷ đồng; dự án “Khắc phục, sửa chữa đập Tắt, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê”, tổng nguồn vốn 12 tỷ đồng, mới giải ngân được 3,27 tỷ đồng.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2024, việc các địa phương thụ hưởng triển khai chậm tiến độ tại các dự án mang tính cấp bách phòng chống thiên tai đang đặt ra nhiều rủi ro về sạt lở trong mùa mưa lũ cho tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời đứng trước nguy cơ bị Trung ương cắt nguồn vốn hỗ trợ.
Yêu cầu giải ngân vốn trước ngày 31/12/2024
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa phát Văn bản số 5803/UBND-NL1 tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo Văn bản số 5803/UBND-NL1: Trong mọi trường hợp, Chủ tịch UBND các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên và thị xã Hồng Lĩnh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng công trình và phải giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trước ngày 31/12/2024.
“Các dự án hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở đã được UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể cho các chủ đầu tư tại nhiều văn bản liên quan.
Các Sở, ngành đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tuy vậy, đến nay đã hết tháng 9/2024 nhưng toàn tỉnh mới có 5 dự án triển khai thi công; 1 dự án đang đánh giá hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát; 1 dự án đang lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát”, văn bản nêu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023.
UBND tỉnh Hà Tĩnh lưu ý việc lập, phê duyệt phương án phòng chống thiên tai, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để đảm bảo an toàn cho công trình khi có thiên tai xảy ra; tổ chức lập, phê duyệt tiến độ thi công tổng thể và chi tiết các hạng mục gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải để phối hợp chỉ đạo, đôn đốc.
Song song với đó, các nhà thầu thi công phải tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, vật tư, vật liệu làm tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt đối với các công trình: Khắc phục sạt lở kênh thượng lưu cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh); khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố (đoạn qua xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ); khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu (đoạn qua thôn 5 và thôn 2, xã Hà Linh, huyện Hương Khê), các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch chi tiết theo ngày để chỉ đạo thực hiện.