Hải Dương: Dân “tố” cán bộ thiếu trách nhiệm trong làm hồ sơ chế độ cho người có công
Ông Nguyễn Văn Hân tiếp tục gửi đơn thư phản ánh vì không đồng ý với kết luận của xã Đoàn Kết
Bài liên quan
Bộ trưởng Bộ TN&MT nói về 2 cán bộ bị tố nhận hối lộ 12 tỷ đồng
TP HCM: Buông lỏng quản lý trong xây dựng, hàng loạt lãnh đạo quận Thủ Đức bị kỷ luật
Quảng Bình: Phát hiện nhiều cán bộ dùng chứng chỉ giả để thi tuyển công chức
Hải Dương: Lợi dụng dồn điền, đổi thửa bán đất nông nghiệp cho lò gạch
Cán bộ thiếu trách nhiệm?
Theo đơn thư của ông Hân, vào tháng 6/1972, ông tham kháng chiến tại chiến trường miền Nam và bị thương. Năm 2014, theo thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, ông là người được Ban Chỉ huy quân sự xã hướng dẫn làm hồ sơ, gửi lên cấp trên.
Đến tháng 4 năm 2017, ông nhận lại hồ sơ. Cũng trong năm đó, ông Hân đươc Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Miện hướng dẫn làm theo Thông tư mới. Khi về xã xin xác nhận các ban, hội có liên quan thì hồ sơ của ông Hân đã gặp khó khăn. “Ông Nguyễn Văn Phẩm là người phụ trách lĩnh vực Thương binh và Xã hội đã không ký xác nhận cho tôi mặc dù trong hồ sơ của tôi đã có chữ ký xác nhận của Chủ tịch UBND xã. Ông Phẩm còn trả lời rất thiếu trách nhiệm là: “Ông làm với ai thì bảo người ta ký, chứ tôi không ký”. Sau đó, tôi đã làm đơn đề nghị Đảng ủy xã can thiệp nhưng không được giải quyết”…
Cũng theo ông Hân, hiện tại, ông Nguyễn Văn Phẩm lại được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Đảng ủy xã, giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã. “Là một công dân, tôi xét thấy ông Phẩm làm việc quan liêu, không đủ tư cách làm cán bộ trong thời hiện tại”, ông Hân bức xúc nói.
Trả lời vòng vo, né tránh
Để thông tin được khách quan, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi làm việc với ông Lê Tuấn Hải, Bí thư Đảng ủy xã và ông Phạm Danh Luân, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết.
Tại buổi làm việc, ông Hải cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Hân, lãnh đạo xã đã vào cuộc xác minh.
“Về việc ông Hân phản ánh, theo tường trình của ông Phẩm thì ông không trực tiếp nói với công dân mà nói với đồng chí văn phòng, nội dung: “Hồ sơ này của ông Hân, anh không triển khai, không hướng dẫn và không thực hiện theo quy định nên anh không biết. Em hỏi ông ấy xem ai, cơ quan nào triển khai hướng dẫn thực hiện theo quy định thì bảo người ta hướng dẫn xác nhận cho chứ anh, em mình không biết quy định mà xác nhận thì sai hồ sơ của ông ấy”.
Ông Hải cho rằng, việc ông Phẩm chưa ký vào hồ sơ của ông Hân là đúng.
“Nội dung công dân tố cáo ông Nguyễn Văn Phẩm là người quan liêu, hách dịch, không đủ tư cách làm lãnh đạo là không có cơ sở để kết luận. Về hồ sơ xin giám định thương tật do chiến tranh, ông Nguyễn Văn Phẩm không ký vào biên bản xác nhận nhưng không hướng dẫn cụ thể cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính là chưa thực sự thực hiện hết trách nhiệm của cán bộ đối với nhân dân khi đến trụ sở thực hiện các thủ tục hành chính.
Từ đó Đảng ủy yêu cầu, đối với đồng chí Nguyễn Văn Phẩm nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ công chức trước công dân. Đối với UBND xã, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để công dân phải trực tiếp đi xin chữ ký của từng cá nhân là chưa đúng với quy chế làm việc gây ra sự hiểu lầm không đáng có…”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, ông Hân đã sai quy trình do lên huyện nhờ hướng dẫn rồi mới về xã. Theo đúng quy định thì phải làm từ cấp xã mới đến cấp huyện. Trách nhiệm của xã là tổ chức họp có biên bản đề nghị lên các cấp trên để giám định thương tật cho ông Hân. Do ông Hân không làm đúng quy trình nên hồ sơ thủ tục mới bị vướng mắc.
PV đặt câu hỏi: "Tại sao trong hồ sơ của ông Hân đã được một số cán bộ xã ký, thậm chí Chủ tịch UBND xã đã ký nhưng ông Nguyễn Văn Phẩm không ký và cũng không giải thích, hay hướng dẫn người dân làm theo đúng quy trình?"
Trả lời cầu hỏi này, Bí thư Đảng ủy xã Lê Tuấn Hải giải thích vòng vo: “Ông Phẩm không hướng dẫn công dân là vì lúc đó ông Hân không đề nghị ông Phẩm hướng dẫn làm hồ sơ. Ông Hân cần phải đề nghị là việc a, việc b, tôi không biết, anh hướng dẫn tôi, nếu ông Phẩm không hướng dẫn thì là một việc khác”.
Được biết, sau khi ông Hân có đơn lên UBND xã kiến nghị vấn đề nêu trên, khoảng một tháng sau, lãnh đạo xã có đề nghị ông Hân mang hồ sơ lên làm thủ tục nhưng ông Hân đã từ chối không làm nữa.
Vì sao 5 năm người dân không đến UBND xã làm lại thủ tục? Tại sao họ phải lên tận huyện nhờ hướng dẫn, phải chăng người dân không tin tưởng vào cán bộ xã? Khi về UBND xã làm việc, PV đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về thái độ tiếp công dân cũng như giải quyết các thủ tục về chính sách gây bức xúc.
Báo TTTĐ sẽ tiếp tục thông tin …