Hải Dương: Mạnh tay không có ngoại lệ khi xử lý “ma men”
Luật sư kiến nghị nghiêm trị "ma men" gây tai nạn giao thông Cần chế tài mạnh ngăn chặn “ma men” chống người thi hành công vụ Mới nới lỏng hoạt động kinh doanh, nhiều "ma men" vi phạm "kịch khung" |
Xử phạt kịch khung
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương diễn biến phức tạp. Nhiều thời điểm các hàng quán phải tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch. Tuy nhiên, tình trạng các lái xe sử dụng rượu bia trước khi lái xe vẫn tồn tại. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm.
Trung tá Bùi Quang Quyên, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự (Công an huyện Bình Giang) nhận định: “Trong số những nguyên nhân dẫn đến TNGT, vi phạm về nồng độ cồn luôn chiếm tỷ lệ cao. Tâm lý uống vài chén chưa say, đường về nhà ngắn khiến số lượng người vi phạm nhiều”. Từ đầu năm đến nay, đội đã xử lý 55 trường hợp điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn, xử phạt 358 triệu đồng. 87% trong số đó bị nhận mức phạt kịch khung do có nồng độ cồn vượt 0,4 mg/lít khí thở.
Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an huyện Gia Lộc) kiểm tra nồng độ cồn lái xe (ảnh BHD) |
Công an huyện Gia Lộc cũng là một trong những đơn vị quyết liệt trong việc ngăn ngừa vi phạm giao thông, nhất là liên quan đến nồng độ cồn. Theo số liệu thống kê sơ bộ, từ ngày 15/12/2020 đến nay, gần 400 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện này bị phát hiện, xử lý. Trong đó, 35 trường hợp người điều khiển xe mô tô có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở bị phạt mức cao nhất.
Mức xử phạt nặng theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tuy đã phát huy tác dụng trong việc răn đe người vi phạm, song chưa phải yếu tố cốt lõi để ngăn ngừa hoàn toàn những vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia.
Trung tá Phạm Quý Gia, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự (Công an huyện Gia Lộc) cho biết: “Cái gốc của mọi vi phạm giao thông là ý thức của người dân. Đó là sự chủ quan, coi thường pháp luật, dẫn đến coi thường chính sự an nguy của bản thân và cộng đồng”.
Tăng cường kiểm soát "ma men" dịp cuối năm
Năm 2021, Bộ Công an ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” trên toàn quốc.
Sau gần 9 tháng ra quân thực hiện kế hoạch này, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 414 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt hành chính trên 3 tỷ đồng, tước 379 giấy phép lái xe, 420phương tiện bị tạm giữ. Trong đó 276 trường hợp, tương đương 67% số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt mức cao nhất.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Hải Dương tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp cuối năm, không có ngoại lệ |
Ông Vũ Duy Bôn, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương nhận định do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà hàng, quán ăn phải tạm ngưng kinh doanh thời gian dài đã góp phần giảm số lượng các vụ va chạm, TNGT toàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao.
Dễ dàng nhận ra điều đó qua những con số "biết nói" về các trường hợp bị xử phạt kịch khung nói trên. Việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với lái xe đã tạo tính răn đe mạnh mẽ. Việc tuần tra kiểm soát gắn với hoạt động tuyên truyền đến mọi người dân về tác hại của uống rượu bia khi lái xe đã lan tỏa sâu rộng.
“Thực hiện kết luận tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 9 tháng đầu năm mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông những tháng cuối năm và trong dịp Tết. Trong đó sẽ tiếp tục duy trì chuyên đề xử lý đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn”, ông Bôn cho biết thêm.
10 tháng năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 148 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 117 người chết, 66 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020, tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt, trong đó giảm 51 vụ tai nạn (25,6%), giảm 40 người chết (25,5%) và giảm 31 người bị thương (32%). |
Để ngăn ngừa từ gốc, không cách nào khác là tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Căn cứ trên tình hình thực tế, hàng trăm buổi tuyên truyền cho hàng nghìn người dân đã được lực lượng CSGT các địa phương thực hiện.
Anh Phạm Văn Vịnh, một lái xe vi phạm nồng độ cồn ở TP Hải Dương cho biết: “Nhiều hình ảnh về các vụ TNGT thương tâm do rượu bia gây ra được chia sẻ đã khiến tôi thực sự tỉnh ngộ, gánh chịu hậu quả chính là gia đình mình. Đúng là tôi đã quá chủ quan, cứ nghĩ rằng uống một chút thôi thì vẫn đủ tỉnh táo để lái xe nhưng tôi đã nhầm. Tôi vẫn còn may mắn, bởi còn có cơ hội sửa sai, không như biết bao người đã thiệt mạng khác”.
Tuy nhiên không phải ai cũng giác ngộ được như vậy. Thượng tá Nguyễn Lương Trọng, Phó Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết thời gian qua, quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ gặp không ít trường hợp chống đối bất hợp tác, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn do chưa hiểu hết tác hại của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đối với những trường hợp này, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.
"Thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp tuyên truyền về những án phạt nặng cộng với hậu quả tang thương từ những vụ tai nạn nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, đơn vị đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Tập trung xử lý vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, đua xe, lạng lách, đánh võng”, thượng tá Trọng cho biết thêm.
Từ ngày 15/11, hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/9. Điều 30 của Nghị định này quy định phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu bia theo quy định của pháp luật; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia. Hành vi uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt từ 1- 3 triệu đồng. Đây có thể nói là một trong những “lý do chính đáng” để người dân từ chối uống rượu bia khi bị ép buộc, góp phần cùng ngành chức năng hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. |