Luật sư kiến nghị nghiêm trị "ma men" gây tai nạn giao thông
Nhiều tai nạn giao thông liên quan đến xe "độ" Mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn, ngăn chặn nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông |
Nỗi đau của gia đình nạn nhân
Tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến bia rượu có xu hướng tăng trong những năm gần đây cả về số vụ cũng như tính chất nghiêm trọng. Nhiều vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của những người vô tội và để lại nỗi đau cắt ruột cho gia đình nạn nhân.
Còn nhớ, hồi đầu năm 2019, một vụ TNGT liên quan đến bia rượu đã gây rúng động dư luận tại Hà Nội. Cụ thể, đêm 22/4/2019, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (sinh năm 1970, trú tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) đã lái xe ôtô 7 chỗ tông ngã chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng. Tài xế Tuyên sau đó tiếp tục đâm vào một xe máy và chiếc Mercedes rồi tăng ga bỏ chạy.
Tai nạn giao thông liên quan bia rượu để lại hậu quả nặng nề với gia đình các nạn nhân |
Người dân đuổi theo chiếc "xe điên" đến phố Láng Hạ, cách hiện trường khoảng 2km thì giữ được tài xế khi chiếc ô tô bị nổ lốp. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, kết quả kiểm tra đo nồng độ cồn tại cơ quan công an, tài xế Đỗ Xuân Tuyên vi phạm trên 1,055 miligam/lít khí thở. Khai với cơ quan điều tra, Tuyên cho biết, hôm xảy ra vụ tai nạn, gia đình có đám cưới cháu gái trong phố Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, Hà Nội) nên đã uống 5-7 chén rượu.
Đến ngày 29/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Xuân Tuyên về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tài xế Đỗ Xuân Tuyên đã phải trả giá cho lỗi lầm của mình song sự mất mát và nỗi đau mà vụ TNGT nói trên thì không gì có thể bù đắp được. Vụ tai nạn kinh hoàng đã khiến không ít người dân chứng kiến ám ảnh. Tuy nhiên, người cảm nhận sâu sắc nhất những nỗi đau ấy có lẽ là những người đồng nghiệp của chị Hà và đặc biệt là cậu con trai đang học lớp 9 khi phải chứng kiến thi thể mẹ gục trên vũng máu giữa đêm tối. Hình ảnh cậu bé ngồi gục đầu, khóc thảm thiết bên thi thể mẹ trong sự vỗ về an ủi của những cô công nhân môi trường thực sự đã khiến nhiều người rơi lệ.
Kiến nghị sửa luật theo hướng nghiêm trị "ma men"
Mỗi vụ TNGT liên quan đến bia rượu đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều gia đình tan nát, nhiều cuộc đời lỡ dở. Chính vì thế, càng ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cần thêm những chế tài hoặc luật định mang tính răn đe cao hơn nữa nhằm hạn chế "ma men" điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia.
Luât sư Nguyễn Anh Thơm kiến nghị sửa luật để nghiêm trị "ma men" |
Ông Phan Bá Mạnh (tài xế, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cho hay: "Những ngày này, đọc các vụ tai nạn giao thông chết người đăng trên báo khiến tôi bị ám ảnh. Tôi thấy ghê sợ những bác tài đã uống bia rượu say vẫn cầm lái phăng phăng ô tô, xe máy lưu thông trên phố. Họ không ai khác chính là những thần chết di động đang di chuyển trên phố. Họ có thể lấy đi bất cứ tính mạng của ai trên đường đi. Thần chết di động là họ.
Vì lẽ đó, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy đến cho bất cứ ai, tôi đề xuất tăng mức xử phạt áp dụng cho các trường hợp tài xế sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phố. Nếu không mạnh tay ngăn chặn thì tôi tin rằng sẽ còn có nhiều vụ tai nạn thương tâm hơn nữa, sẽ còn có những giọt nước mắt oán hận của người thân trong các vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra".
Cùng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp luật hiện nay thì hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo luật sư Thơm, đây là nhóm tội phạm xảy ra với lỗi vô ý nên chế tài xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Đặc biệt, loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.
Luật sư Thơm cho rằng, trước tiên phải sửa đổi luật hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp theo khoản 2, Điều 10, Bộ luật Hình sự năm 2015. Luật sư Thơm nhấn mạnh: "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể mình các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý. Như vậy, nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Ví dụ, hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "Cố ý gây thương tích" hoặc gây chết người thì xử theo tội danh "Giết người".
Ngoài ra, luật sư cho rằng cần sửa đổi bổ sung luật xử phạt vi phạm hành chính quy định trường hợp tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc buộc học lại luật giao thông, kể cả buộc phải thi cấp bằng lái xe mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần mà không có khả năng giáo dục, nhận thức chấp hành luật giao thông thì cơ quan chức năng tước bằng lái xe vĩnh viễn.