Hải Phòng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, tạo động lực tăng trưởng
Lãnh đạo BQL KKT Hải Phòng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam |
Thu hút đầu tư FDI gần 10 tỷ USD, tăng 42%
Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2015 – 2020), một trong những mục tiêu tổng quát được đặt ra là “Phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo sự phát triển nhanh, đột phá để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao”.
Do đó, Hải Phòng đã xác định việc phát triển nhanh các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) là “đòn bẩy” trong tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.
Theo thống kê của Ban quản lý KKT Hải Phòng, đến nay, Hải Phòng có 12 KCN, trong đó, 8 KCN nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (gồm có KCN Đình Vũ, Minh Phương Đình Vũ, Tràng Duệ, Khu đô thị - công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ, KCN Nam Đình Vũ, KCN và dịch vụ hàng hải, KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng) và 4 KCN nằm ngoài Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải gồm: Nomura, Đồ Sơn, Nam Cầu Kiền và An Dương.
Tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2020, các KCN, KKT của Hải Phòng đã thu hút cấp mới và tăng vốn 49 dự án, tổng số vốn 809,2 triệu USD bằng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Đạt 54% kế hoạch năm (1,5 tỷ).
Các nhà máy của Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan đang hoạt động hiệu quả tại KCN VSIP Hải Phòng |
Theo ông Bùi Ngọc Hải - Phó Ban quản lý KKT Hải Phòng “bật mý” “Chỉ khoảng 2 tuần nữa, Công ty Phegatron một Doanh nghệp sản xuất thiết bị bảng mạch điện tử của nước ngoài sẽ hoàn thành thủ tục để được cấp phép đầu tư tại KCN Đình Vũ với số vốn 500 triệu USD. Kế hoạch thu hút đầu tư FDI 1,5 tỷ USD, chúng tôi đã nắm trong tầm tay”.
Các dự án đầu tư trong nước cấp mới 7 dự án và điều chỉnh tăng vốn 2 dự án, tổng vốn thu hút 973.000 tỷ đồng.
Lũy kế đến ngày 30/9/2020, các KCN, KKT đã thu hút 393 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 15,5 tỷ USD. Đầu tư trong nước 167 dự án với tổng vốn đầu tư 145.602,430 tỷ VND.
Ông Phạm Văn Mợi - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết: “Về thu hút vốn đầu tư FDI, 5 năm qua (đến hết năm 2020), Hải Phòng dự kiến đạt 9,6 tỷ USD, tăng 42% so với nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Mặc dù, xác định thu hút đầu tư FDI là rất cần thiết nhưng Hải Phòng vẫn chọn phương án thu hút đầu tư có chọn lọc, hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng trong nước để hưởng lợi nhiều hơn…
Hiện nay, thu hút vốn đầu tư tại các KCN, KKT đã và đang chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các dự án quy mô lớn về đầu tư.
Để đạt được những thành quả nói trên là nhờ có sự nỗ lực, hành động quyết liệt và những định hướng đúng đắn của thành phố trong suốt thời gian qua”.
Thời điểm “vàng” trong thu hút đầu tư FDI
Theo đánh giá, với lợi thế vượt trội của Hải Phòng so với các địa phương khác chính là hạ tầng kết nối giao thông tốt bậc nhất so với cả nước.
Điều này cho phép doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Hải Phòng có chi phí logistics giảm được tối thiểu 10% so với thông lệ quốc tế là 20%.
KCN Tràng Duệ, Hải Phòng nơi đón nhiều nhà đầu tư lớn Hàn Quốc |
Hải Phòng còn có lợi thế là từ 10 năm trở lại đây đã đón được nhiều nhà đầu tư quốc tế đẳng cấp, được ví như “Chim ưng” như: 3 doanh nghiệp của Tập đoàn LG Display (gồm LGI sản xuất điện thoại, máy giặt vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; LGD sản xuất màn hình TV và điện thoại, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; LGE (Ennotek) sản xuất Camera, vốn đầu tư 1,3 tỷ; Visitton sản xuất lốp ô tô, vốn đầu tư 1,2 tỷ đô; Tập đoàn General Electric (GE)…
Cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư trong nước có Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast; Các đại dự án du lịch, khu vui chơi giải trí của Tập đoàn Vingroup, Sungroup…
Ngoài ra, Hải Phòng đã có nhiều địa điểm đầu tư tốt đã được kiểm chứng như KCN Numora, Tràng Duệ, Vsip và có lực lượng lao động được đào tạo cơ bản, tại chỗ.
Do dịch bệnh Covid-19, việc xúc tiến đầu tư, thương mại tại nước ngoài không thể triển khai, Hải Phòng đã tập trung xúc tiến qua kênh tại chỗ. Đó là qua sự thành công của các tập đoàn đã đầu tư vào Hải Phòng, lãnh đạo TP và Ban quản lý KKT Hải Phòng khuyến khích họ tự quảng bá, mời gọi cộng đồng doanh nghiệp của quốc gia họ để đến đầu tư.
Cùng với đó, Hải Phòng đang xúc tiến đầu tư qua kênh các cơ quan đại diện thương mại của các Đại sứ quán, cơ quan đại diện của các nước tại Việt Nam; Thông qua đại diện thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.
Ông Phạm Văn Mợi cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của các KKT, KCN và sự hấp dẫn của Hải Phòng đã tạo lực hút đối với các nhà đầu tư.
Trong 5 năm, thu hút vốn đầu tư trong nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với gần 131.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng vốn đầu tư trong nước từ trước đến nay.
Còn ông Bùi Ngọc Hải - Phó Ban quản lý KKT Hải Phòng thì cho rằng: “So với tình hình, bối cảnh quốc tế thì Việt Nam đang có cơ hội “vàng” về thu hút FDI.
Qua việc tái cấu trúc đầu tư hiện nay thì có thể thấy, họ không đầu tư vào 1 quốc gia quá nhiều, vì sợ đứt gãy chuỗi liên kết, thì Việt Nam và Hải Phòng là sự ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, Hải Phòng được ví như địa điểm “vàng” để đón các nhà đầu tư lớn, tầm cỡ quốc tế.
Cần phải “dọn ổ” thật tốt mới đón được “Đại bàng”
Cách thu hút đầu tư FDI hiện nay đã thay đổi cơ bản so với vài năm trước đây. Đó là việc thu hút cả doanh nghiệp to, nhỏ liên kết theo mô thức chuỗi, kết nối với nhà đầu tư lớn.
Khi đã đón được “chim Đại bàng” hạ cánh, thì một loạt các doanh nghiệp vệ tinh sẽ đến theo phục vụ. Một ví dụ điển hình là tại KCN Tràng Duệ, An Dương của Hải Phòng, khi Tập đoàn LG Display vào đầu tư 4 tỷ USD, thì các doanh nghiệp đi theo LG cũng vào đầu tư khoảng 4 tỷ USD nữa.
Sân bay quốc tế Cát Bi- Hải Phòng được đầu tư hiện đại |
Ông Bùi Ngọc Hải - Phó BQL KKT Hải Phòng, chia sẻ: “Khi họ vào rồi, các cơ quan chức năng Hải Phòng phải chăm sóc họ thật tốt. Khâu cấp phép cần phải có bộ phận chuyên nghiệp, hiểu họ, phân công người theo dõi, phục vụ sát cho họ; không để họ phải tự đi khắp các sở, ban, ngành để chạy thủ tục…
Cơ quan chức năng cần phải có bộ phận theo dõi, báo cáo các cơ quan thẩm quyền giải quyết kịp thời các nhu cầu của họ, không gây hoang mang, mất thời gian cho nhà đầu tư.
Thời gian qua, Ban quản lý KKT Hải Phòng phải thành lập các văn phòng đại diện của Ban quản lý KKT tại các KCN Tràng Duệ, An Dương, Vsip, Thuỷ Nguyên; Giao nhiệm vụ cho các đơn vị này chăm sóc hướng dẫn nhà đầu tư, thực hiện khâu giám sát hỗ trợ đầu tư; hàng tuần báo cáo về Ban quản lý KKT tình hình hoạt động của các DN.
Trong thời gian tới, để đón được các dự án lớn, dự án quan trọng, cần phải có sự chỉ đạo, cam kết chính trị của chính quyền, người đứng đầu thành phố BQL KKT Hải Phòng mới tạo ra cơ chế thông suốt.
Thành phố cần tổ chức các sự kiện để gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuối sản xuất của các DN lớn của họ.
Khâu này chúng ta chưa làm được nhiều. Hải Phòng đón được Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với số vốn đã và đang đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD. Họ còn mời gọi các doanh nghiệp FDI vào làm phụ trợ như doanh nghiệp sản xuất ắc quy, thiết bị điện tử nội thất ô tô”.
Hiện tại, Hải Phòng đang kêu gọi các nhà đầu tư KCN, KKT ngoài việc đầu tư hạ tầng KCN, thì cần có các khu nhà ở cho chuyên gia, công nhân.
Muốn làm được điều này, thành phố phải có chính sách đủ mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư, giàng buộc trách nhiệm nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân phải đưa vào chi phí xây dựng KCN, không đẩy việc lo nhà ở cho công nhân ra xã hội.
Giải quyết được bài toán nhà ở cho công nhân, mới có thể giải quyết được tất cả các vấn đề trong thu hút đầu tư hiện nay. Thủ tục hành chính phải cải cách theo hướng rõ ràng, minh bạch. Các thủ tục hành chính phải chuyển từ quản lý sang phục vụ mới xúc tiến đầu tư mạnh mẽ.
Cùng với đó, Hải Phòng cần phải nâng cao năng lực hệ thống các trường dạy nghề gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, việc này cần hành động cụ thể của chính quyền thành phố.
Việc đưa các doanh nghiệp Hải Phòng tham gia vào chuỗi các sản phẩm của nhà đầu tư FDI phải được thành phố quan tâm xúc tiến ngay, bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ nhất như bao bì, đồ chèn lót, rồi nâng cấp lên như đồ nhựa, sản phẩm cơ khí nhỏ.
Việt Nam có sẵn những năng lực quản trị kinh doanh trong môi trường quốc tế nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, chưa tiếp cận được. Việc này Sở Công thương Hải Phòng cần có chương trình cụ thể, lựa chọn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giáp mối cho họ gặp nhau, hỗ trợ họ kết nối thành chuỗi sản phẩm liên kết.
Sự đứt gãy về khả năng của người lao động hiện nay do thiếu thiết chế nhà ở, điều kiện để gắn kết họ lâu dài với doanh nghiệp không có. Vì vậy sau 4 - 5 năm khi người lao động làm việc đã tích luỹ được tay nghề nhất định, do nhu cầu ổn định, họ lại phải nhảy việc hoặc trở về quê.
Do không lo được nhà ở, buộc họ phải nghỉ việc, điều này rất lãng phí của cải xã hội. Doanh nghiệp phải tuyển mới lao động, đào tạo, lại bị đứt gãy nguồn cung cấp lao động tay nghề cao, không tích luỹ được liên tục.
Cơ sở hạ tầng của Hải Phòng được đầu tư rất tốt để kết nối các mô hình kinh tế (Ảnh Vũ Dũng) |
Theo một số chuyên gia về đâu tư, hiện Hải Phòng mới chỉ chú trọng về việc thu thuế, thu ngân sách, mà chưa chú trọng đến việc đào tạo, tạo điều kiện cho các công nhân có tay nghề, trình độ cao gắn kết với doanh nghiệp. Vì nguồn lực nhân lực là nhân tố quyết định cạnh tranh, là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, giúp cho họ nâng cao năng xuất lao động.
Hiện nay, Hải Phòng đang triển khai các KCN mới với tổng diện tích lên tới gần 6700 ha. Điển hình như: KCN Nam Tràng Cát diện tích hơn 200ha, phát triển KCN Bến Rừng với diện tích hơn 1000ha, KCN Kiến Thụy hơn 900ha, KCN Tiên Lãng 1 và KCN Tiên Lãng 2 gần 1000ha… Do đó, dự kiến trong 5 năm tới sẽ là giai đoạn bứt phá của thành phố Hải Phòng.
Về thu hút vốn đầu tư FDI tại các KCN, KKT, địa phương này phấn đấu đạt 10 tỷ USD. Trong đó, các KCN, KKT đóng góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Để đón được “Đại bàng”, ngoài việc tiếp tục đầu tư mởi rộng thêm các KCN, KKT tại các địa phương ven biển nói trên, Đảng bộ, chính quyền thành phố nhiệm kỳ tới phải cần phải triển khai ngay việc tổng kết công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tự rút ra những bài học thành công và những điều kiện cần và đủ để mời gọi các DN “Đại bàng” tiếp tục hạ cánh xuống Hải Phòng.
Có như vậy mới tạo sự phát triển nhanh, đột phá để xây dựng một Hải Phòng mới xứng đáng là vai trò trụ cột thứ 3, kéo kinh tế đất nước đi lên.