Hàng Việt Nam ngày càng chinh phục niềm tin của người tiêu dùng
Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động
Bài liên quan
Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành cùng hàng Việt Nam năm 2019
Sức lan tỏa từ cuộc vận động "Người Viêt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Khai mạc Tháng khuyến mại Hà Nội 2019
Hàng hóa Việt Nam ngày càng chiếm lòng tin của người tiêu dùng
Khởi động Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”
Hàng Việt đang dần tìm lại chỗ đứng
Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Với cách làm trách nhiệm, sáng tạo, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, thành phố đã giúp các doanh nghiệp nhìn lại chỗ đứng của mình trong thị trường nội.
Những năm qua, các doanh nghiệp đã cân đối hài hòa giữa thị trường “ngoại” và “nội” để chú trọng xây dựng thương hiệu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, thiết kế mẫu mã... phù hợp với nhu cầu thị hiếu, chinh phục được người tiêu dùng trong nước.
Với vai trò quan trọng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt. Nhờ đó, tỷ lệ bán hàng Việt chiếm hơn 90% tại hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Con số này không thể đạt được nếu hàng Việt không chinh phục niềm tin của người tiêu dùng.
Là một doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong nước, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) luôn đặt nhu cầu, lợi ích của người mua lên hàng đầu. Do đó những năm qua, không chỉ người dân Thủ đô mà người tiêu dùng cả nước luôn biết đến Hapro là địa chỉ tin cậy để mua sắm.
Hàng Việt Nam ngày càng chinh phục niềm tin của người tiêu dùng |
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết: Trong cơ cấu hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế lớn. Kết quả này có được khi nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhờ đó, chất lượng hàng Việt đã không thua kém khi cạnh tranh với hàng ngoại nhập mà giá thành lại thấp hơn.
Hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tiêu dùng các sản phẩm hàng Việt Nam, chị Cù Thu Hương (36 tuổi, ở phố Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Trước đây tôi thường có thói quen lựa chọn sản phẩm hàng hóa nhập khẩu từ đồ gia dụng đến các loại máy móc, thiết bị trong gia đình thay vì mua các mặt hàng được sản xuất trong nước. Mặc dù giá thành sản phẩm chênh lệch rất nhiều nhưng tôi thấy yên tâm về chất lượng.
Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, tôi nhận thấy các loại hàng hóa trong nước có tiến bộ nhiều về mẫu mã, chất lượng mà giá thành lại rẻ hơn nhiều so với những mặt hàng cùng chủng loại được nhập khẩu từ nước ngoài. Kể từ đó, tôi thấy yên tâm và tin dùng các sản phẩm trong nước. Hành động của tôi không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của một người dân Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước ngày càng phát triển”.
Giữ vững thương hiệu “Hàng Việt Nam”
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để có được kết quả trên, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp và ngành Công thương Hà Nội đã ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng Việt có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường... đã được Sở Công thương Hà Nội triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Trong giai đoạn năm 2009 - 2019, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết, 29 tuần hàng Việt, 254 phiên chợ Việt, khoảng 3.200 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ người tiêu dùng. Sở cũng hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối nước ngoài như: Aeon (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), chợ đầu mối Rungis (Pháp)...
Bên cạnh đó, ngành Công thương Thủ đô đã đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố trên cả nước hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia ký kết hơn 3.000 biên bản ghi nhớ; hỗ trợ hơn 800 sản phẩm mới của các địa phương tiêu thụ tại các kênh phân phối ở Hà Nội; hỗ trợ 105 doanh nghiệp của 24 tỉnh, thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 3.000 mã sản phẩm nông sản tại sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm an toàn, trang tin nông sản tại Hà Nội...
Hà Nội không ngừng xây dựng và giữ vững thương hiệu “Hàng Việt Nam” |
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước đều tiến hành cổ phần hóa nên không có doanh nghiệp chủ lực làm “đầu tàu” cho việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khiến việc thực hiện chương trình trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các hội chợ hàng Việt, phiên chợ Việt, bán hàng lưu động thực hiện tại khu vực xa trung tâm các huyện, sức mua của nhân dân, người lao động chưa cao. Đơn vị bán hàng phải trang trải nhiều chi phí vận chuyển, nhân sự, trong khi doanh số thấp nên thường không có lãi, do đó việc vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình còn khó khăn.
Mặt khác, vẫn xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân tổ chức hội chợ thương mại lấy danh nghĩa đưa hàng Việt về khu vực ngoại thành để bán một số sản phẩm, hàng hóa không rõ xuất xứ, chưa bảo đảm an toàn thực phẩm... Cùng với đó, người tiêu dùng tại khu vực ngoại thành có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc của đơn vị triển khai bán hàng tại địa phương và hàng hóa không có nguồn gốc, hàng nhái... do tư thương đóng trên địa bàn đưa vào lưu thông, do vậy ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người dân.
Để triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong giai đoạn mới, Sở Công thương Hà Nội sẽ cùng các cấp, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - thương mại trên địa bàn; Hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao; Thực hiện các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố...
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành Công thương Hà Nội đặt mục tiêu phát triển thị trường nội địa, phát triển sản xuất gắn với việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước; Đồng thời, đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ nhân dân tại khu vực ngoại thành; Tham mưu để thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp được thuận lợi phát triển, duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng.