Hành trình bứt phá của nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam
Nguồn động lực bất tận để nữ sinh Công nghệ chinh phục khoa học |
Chuẩn bị tốt nghiệp THPT, Nhung cũng như nhiều bạn trẻ khác băn khoăn trước rất nhiều lựa chọn ngành học ở đại học. Thời điểm đó, cô gái trẻ chỉ chắc chắn một điều sẽ theo đuổi Khoa học Tự nhiên. “Mình lên mạng tìm hiểu những ngành kỹ thuật phổ biến. Sau sàng lọc, mình một lập danh sách để đăng ký nguyện vọng và ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường nằm trong đó. Vì không phải nguyện vọng ban đầu nên mình thường đùa rằng học ngành này là do “duyên số””, Nhung chia sẻ.
Vì thế, Nhung không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để khám phá và học hỏi. Với cô gái trẻ khoa học là nơi để thử thách và chứng minh rằng, phái nữ hoàn toàn có thể đạt được thành tựu trong những lĩnh vực mà hầu như ai cũng nghĩ là của nam giới.
Đỗ Hồng Nhung |
Song song với việc học, 2 năm đầu Nhung luôn tìm kiếm việc làm thêm để phần nào giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ. Vì thế, một thời gian dài cô gái trẻ rơi vào khủng hoảng và căng thẳng vì vừa phải cân bằng việc học, lên phòng thí nghiệm, đi làm và tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội để “làm đẹp CV”. Trước những khó khăn đó, Nhung quyết định gác lại việc đi làm thêm và chỉ tham gia một số hoạt động nhất định để duy trì điểm rèn luyện; đồng thời chuyên tâm học và làm thí nghiệm.
Điều này giúp Nhung có nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học. Trong hành trình nghiên cứu, cô gái trẻ để lại dấu ấn sâu đậm với công trình về "Ảnh hưởng của việc bón bã cà phê vào đất tới khả năng phân tán sét và rửa trôi sét trong đất nông nghiệp". Với vai trò là tác giả chính, Nhung đã trực tiếp tham gia vào các bước thử nghiệm, phân tích và đánh giá. Công trình này không chỉ giúp cô gái trẻ hiểu rõ hơn về tính ứng dụng của khoa học mà còn đem lại cơ hội rèn luyện các kỹ năng thực hành quan trọng. Nhờ vậy, Nhung đã chứng minh được rằng, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm có thể mang lại giá trị thực tiễn và góp phần cải thiện môi trường nông nghiệp.
Đối với Nhung, công trình này không chỉ là một bài tập lớn hay một thành tựu cá nhân mà là sự khẳng định của bản thân trên hành trình nghiên cứu khoa học. Trước đó, cô gái trẻ gặp một số khó khăn trong nghiên cứu. Tuy nhiên, Nhung luôn nhắc nhở bản thân kiên trì, giữ vững mục tiêu. Cô gái trẻ cũng rút ra cho bản thân nhiều bài học trong nghiên cứu. Những kỹ năng cần có là kiến thức, sự chăm chỉ, cầu tiến và kiên trì.
Hồng Nhung luôn kiên trì với mục tiêu đã chọn |
“Đây là những kỹ năng theo mình là quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên việc ứng xử với thầy cô, anh chị hay bạn bè trong phòng thí nghiệm cũng quan trọng. Đó là kỹ năng mềm đòi hỏi mỗi người phải rèn luyện”, Nhung tâm sự.
Là nữ sinh trong ngành Khoa học Tự nhiên, Nhung không ít lần gặp phải những định kiến và khó khăn. Trong một số dự án thực địa, đặc biệt khi phải làm việc trong điều kiện ngoài trời và đòi hỏi sức bền, cô gái trẻ cảm thấy mình bị hạn chế về mặt thể lực. Tuy nhiên, Nhung chưa bao giờ để điều này ngăn cản đam mê. “Có thể mình không nhanh bằng các bạn nam nhưng mình sẽ đi xa nếu có sự kiên trì”, Nhung tâm niệm.
Nhung cũng cho rằng, nếu bạn có đam mê hãy nỗ lực không ngừng, luôn kiên trì và chuyên tâm. Sự nỗ lực đó sẽ đưa chúng ta đến với những trái ngọt. Dự định của cô gái trẻ sau khi tốt nghiệp đại học sẽ học cao học và theo đuổi nghiên cứu về môi trường hoặc một lĩnh vực liên quan.
“Mình luôn khao khát học thêm, thêm nữa để có thể ứng dụng những kiến thức lý thuyết rộng lớn vào thực tiễn. Mình mong muốn tạo ra những giá trị thực sự có ích cho cộng đồng và xã hội thông qua các nghiên cứu khoa học”, Nhung tâm sự.