Hành trình gieo hy vọng của cô giáo khuyết tật
Cô giáo khuyết tật gieo những con chữ yêu thương Cô giáo mầm non nhiệt huyết với công tác Đoàn Cô gái khuyết tật vận động chinh phục đường đua 5km |
Sinh ra với khiếm khuyết trên đôi bàn tay, cô Hương vẫn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên, tiếp thêm động lực và mở ra hy vọng cho nhiều người khuyết tật cùng cảnh ngộ.
”Trạm yêu thương" tuần này mở ra với hình ảnh nhân vật cặm cụi bên chiếc bàn may. Mặc dù bàn tay chỉ có một ngón, cô giáo Hương thoăn thoắt thực hiện từng thao tác may theo một quy trình cụ thể.
Cô hạnh phúc chia sẻ các bước để làm một chiếc áo sơ mi nữ, từ việc lên số đo, đến vẽ bản thiết kế, cắt vải… Từng khâu đều được cô Hương thực hiện rất thuần thục, tỉ mỉ. Khiếm khuyết trên đôi bàn tay dường như không hề làm khó cô.
Từ khi còn nhỏ, cô Nguyễn Thị Hương đã ý thức được sự khác biệt của mình nhưng với sự lạc quan, cô coi khiếm khuyết của mình chỉ là sự bất tiện trong cuộc sống. Động lực lớn nhất giúp cô Hương vượt qua mọi khó khăn là nhờ tình yêu thương của gia đình, đặc biệt là người bố.
Kể về bố, mắt cô Hương ánh lên niềm tự hào. Bố là người luôn sát cánh cùng cô con gái trên hành trình vượt qua khó khăn của cuộc sống cũng như theo đuổi ước mơ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Ước mơ từ ngày nhỏ của Hương là trở thành một cô giáo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giống mình. Biết được ước mơ của con gái, bố cô bắt đầu sưu tầm sách và dạy con viết chữ.
Thời gian đầu luyện viết, các khớp tay co cứng khiến cô khóc rất nhiều vì đau đớn. Đôi bàn tay quá nhỏ bé không đủ ngón để cầm bút, nhờ có bố luôn ở bên cạnh động viên, dần dần cô không chỉ viết chữ đẹp hơn mà còn có thể làm được mọi việc như bình thường.
Dù là một học sinh ưu tú, do hoàn cảnh khó khăn không thể theo học cấp 3, cô Hương đã quyết định học nghề để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Cô nhờ bố mua cho sách dạy cách may vá, rồi mua một chiếc máy khâu.
Học may tuy khó nhưng với nỗ lực và sự cố gắng không nghỉ, cô Hương đã may được áo, váy cho người thân trong gia đình và những người hàng xóm thân thiết. Mọi người rất bất ngờ trước tài năng của cô. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người tìm đến cô Hương để may đo.
Khi công việc may vá dần ổn định và có lượng khách quen, cô Hương đã nghĩ: “Tại sao mình chỉ ở trong nhà mà không ra ngoài xã hội để mở rộng tầm mắt?”.
Suy nghĩ ấy đã thôi thúc chị Hương đến với trung tâm “Vì ngày mai”, nơi cô gặp được những người bạn cùng cảnh ngộ. Từ đó cô trở thành học viên học nghề làm đồ thủ công tại trung tâm.
Học nghề thủ công vốn đã khó với người bình thường, với cô Hương lại càng thử thách bởi công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng, đặc biệt là sự khéo léo của đôi tay. Nhận được sự động viên từ giám đốc, cán bộ trung tâm cùng những người bạn luôn ở bên cạnh cổ vũ, cô Hương lại tiếp tục cố gắng.
Không chỉ học tốt, tiến bộ nhanh, với kỹ năng và sự chỉn chu trong công việc, cô Hương còn được mời ở lại trung tâm tham gia giảng dạy kỹ năng may vá cho những người khuyết tật khác.
Với kinh nghiệm và sự đồng cảm, không chỉ truyền thụ cho học viên kỹ năng may vá, cô Hương còn tiếp thêm cho họ nghị lực sống và niềm tin vào bản thân.
Nhờ sự tận tâm của cô, nhiều người đã có được công việc và cuộc sống ổn định. Cô Hương ước mơ có thể tiếp tục học hỏi, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng người khuyết tật. Món quà của "Trạm yêu thương" sẽ phần nào giúp cô hiện thực hóa được ước mơ đó.
Là một tấm gương sáng về nghị lực và ý chí phi thường, hành trình của cô Hương đã truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những người khuyết tật, để họ không ngừng nỗ lực và theo đuổi ước mơ của mình.
Cùng đón xem câu chuyện cảm động của cô giáo dạy may Nguyễn Thị Hương qua "Trạm yêu thương" với chủ đề “Hành trình cổ tích”. Chương trình được phát sóng trong khung giờ quen thuộc 10h thứ Bảy ngày 20/7 trên kênh VTV1.