Hành vi gây mất an toàn hàng không: Cần xử lý nghiêm để răn đe
Ngăn chặn khách vô ý thức gây mất an toàn khu bay
Hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm "đóng băng" do đại dịch COVID-19. Lượng khách tăng cao trong nhiều thời điểm cùng với việc xuất hiện một số hành vi như khách quên giấy tờ "náo loạn" sân bay, trào lưu săn mây trên máy bay hay mới đây nhất là clip một cô gái áo đen nhún nhảy quay Tiktok khi máy bay đang di chuyển tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc... đang gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm an toàn, an ninh sân bay cũng như gây ảnh hưởng đến sự an toàn của chính hành khách.
Theo đó, cùng với nhu cầu chụp ảnh, quay clip đăng trên các mạng xã hội, trào lưu dựng điện thoại ở cửa sổ máy bay để ghi lại toàn bộ không gian bên ngoài trong suốt hành trình bay. Được biết, trào lưu này bắt nguồn từ một người dùng TikTok nước ngoài và nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Theo hướng dẫn, chỉ cần đặt điện thoại ở cửa sổ máy bay, kéo phần tấm che xuống để giữ cho điện thoại không rơi, bật chế độ quay nhanh từ lúc bắt đầu cất cánh cho đến khi hạ cánh là hành khách có cho mình một clip "săn mây" rất đẹp.
Song, dưới góc nhìn của những người công tác trong ngành hàng không, việc kéo tấm che cửa sổ để giữ điện thoại quay vô cùng nguy hiểm, gián tiếp ảnh hưởng tới sự an toàn của bản thân và của cả chuyến bay.
Trào lưu “săn mây” trên máy bay là hành vi nguy hiển ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng không |
Trao đổi về hành động này, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định: Hành động đặt điện thoại ở cửa sổ máy bay và kéo tấm che xuống giữ điện thoại không rơi rất nguy hiểm, đe dọa an toàn của chuyến bay do điện thoại có thể cháy nổ.
“Điện thoại thông minh không thuộc danh mục đồ vật cấm hoặc nguy hiểm. Trong chuyến bay, hành khách chỉ phải tắt hoặc chuyển sang chế độ máy bay. Tuy nhiên, việc quay phim trên chuyến bay, đặc biệt là quay liên tục nhiều tiếng, điện thoại nóng, kết hợp với tác động của ánh sáng Mặt trời trong thời gian dài sẽ gây nguy cơ cháy nổ”, ông Sơn thông tin.
Trước mắt, ông Sơn cho hay hãng hàng không cần nhắc nhở hành khách không thực hiện các hành động kiểu này, vì sự an toàn tuyệt đối của chuyến bay.
Được biết, việc kéo cao tấm che cửa sổ trong quá trình cất và hạ cánh máy bay có những tác dụng nhất định trong từng thời điểm ban ngày hay ban đêm.
Vào ban ngày, mở cửa sổ và đèn sáng tối đa trong cabin sẽ giúp mắt người quen với ánh sáng tốt hơn. Do đó nếu có gì bất thường và hành khách cần được sơ tán thì độ tương phản ánh sáng không thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng thị lực của hành khách.
Vào ban đêm, tấm màn cửa sổ được mở giúp cho nhân viên cứu hộ dưới mặt đất dễ dàng quan sát những gì xảy ra bên trong. Mặt khác, việc mở tấm che cửa sổ trong trường hợp khẩn cấp sẽ giúp phi hành đoàn quyết định ngay bên nào của máy bay là an toàn nhất để sử dụng cửa thoát hiểm.
Cô gái áo đen nhún nhảy quay Tiktok khi máy bay đang di chuyển khiến nhiều người tỏ ra lo ngại về an toàn, an ninh hàng không tại sân bay. |
Không chỉ có trào lưu “săn mây” trên máy bay, mới đây, clip một cô gái áo đen nhún nhảy quay Tiktok khi máy bay đang di chuyển tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc khiến nhiều người tỏ ra lo ngại về an toàn, an ninh hàng không tại sân bay.
Cụ thể, nữ hành khách này đang trên xe Cobus đi ra chuyến bay. Khi cửa xe Cobus vừa mở thì nữ hành khách bất ngờ chạy ra sân đỗ để tạo dáng quay Tiktok khi máy bay đang di chuyển.
Ngay khi đó, nhân viên kiểm soát An ninh hàng không của sân bay Phú Quốc đã kịp thời tiếp cận và yêu cầu hành khách quay trở lại vị trí an toàn.
Thời điểm đó sân bay nghĩ hành khách chỉ có hành vi phấn khích và không có hậu quả gì nên không giữ hành khách lại để xử lý về hành vi gây rối do không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không.
Tăng cường xây dựng văn hóa an toàn hàng không
Trước hàng loạt các vi phạm an toàn hàng không trong thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị tăng cường giám sát chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm an ninh hàng không.
Chỉ thị nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác giám sát an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt trong thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của người dân. Đồng thời, điều này cũng nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng, xây dựng văn hóa an toàn hàng không bền vững.
Các Cảng hàng không được yêu cầu chú trọng việc giám sát an toàn tại các khu vực của sân bay - nơi có mật độ hoạt động cao của tàu bay và các phương tiên, cũng như các khu vực hạn chế trọng yếu liên quan đến an toàn khai thác.
Với hành khách vô ý thực hiện các hành vi không tuân thủ các quy định an ninh, an toàn tại các khu vực này, các Cảng phải kịp thời ngăn ngừa và khuyến cáo. Trường hợp những hành khách cố ý gây rối, phải kịp thời phát hiện và báo cáo Cảng vụ hàng không xử lý nghiêm.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng yêu cầu: “Phải có biện pháp thông tin phù hợp cho hành khách tại cảng hàng không để hành khách hiểu rõ các quy định về an toàn, an ninh hàng không, tạo nên văn hóa an toàn hàng không”.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường giám sát chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm an ninh hàng không |
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không cũng yêu cầu các tổ bay và nhân viên phục vụ chuyến bay tăng cường phổ biến, giám sát an toàn tàu bay và khai thác tàu bay, đặc biệt với các quy định về an toàn khoang khách và các hướng dẫn theo Bảng hướng dẫn an toàn trên tàu bay.
Với những hành khách chưa tuân thủ để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, hãng hàng không phải kịp thời phát hiện và nhắc nhở.
Ngoài ra, tổ bay và nhân viên phục vụ chuyến bay cần chủ động phát hiện, lập biên bản và báo cáo Cảng vụ hàng không xử lý nghiêm với các hành khách không chấp hành quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không, trật tự công cộng trên tàu bay.
Các hãng hàng không cũng phải tăng cường phổ biến các quy định về an toàn hàng không với hành khách trước khi hành khách lên tàu bay, nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo văn hóa an toàn hàng không bền vững.
Cục Hàng không cũng yêu cầu các Cảng vụ hàng không và các Phòng, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị, cũng như kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định với các hành vi vi phạm an toàn hàng không, an ninh hàng không.
Trường hợp có các hành khách gây rối, phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét cấm vận chuyển bằng đường hàng không. Đồng thời, kịp thời hướng dẫn cho các Cảng vụ hàng không và các đơn vị khi cần thiết, bảo đảm hiệu quả của việc xử lý.