Hành vi sử dụng súng trái quy định sẽ bị xử lý thế nào?
Dùng “hàng nóng” để giải quyết mâu thuẫn
Khoảng 12h50 ngày 17/12, trên phố Nguyễn Thái Học, quận Bà Đình (Hà Nội) xảy ra vụ việc xe ô tô Mazda CX5 biển kiểm soát 30H - 174.6X đuổi theo xe ô tô Ford Everet biển kiểm soát 486.7X từ phố Kim Mã hướng về Cửa Nam gây náo loạn tuyến phố.
Đến trước cửa số nhà 154 Nguyễn Thái Học, phường Kim Mã, quận Ba Đình, xe ô tô Mazda vượt lên trên, tạt đầu ép xe Ford Everet dừng lại. Người điều khiển xe Mazda cầm một vật giống súng bước xuống doạ và yêu cầu những người đang ở trên xe Ford xuống.
Hiện trường xảy ra vụ việc nam thanh niên sử dụng vật giống súng chặn xe ô tô |
Trước tính chất manh động của vụ việc, chỉ 5 phút sau Cảnh sát 113 Công an quận Ba Đình đã nhanh chóng có mặt khống chế, yêu cầu thanh niên trên về trụ sở Công an phường Kim Mã làm rõ.
Do vụ việc xảy ra trước cửa một tiệm vàng nên trên mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh và nhiều thông tin thất thiệt cho rằng thanh niên trên dùng súng chặn xe chở tiền và có ý định cướp tiệm vàng…
Liên quan đến vụ việc, tối 18/12, Công an TP Hà Nội cho biết, thông tin lan truyền trên mạng về vụ việc cướp xe chở tiền của ngân hàng trên phố Nguyễn Thái Học là không chính xác.
Nguyên nhân trước thời điểm xảy ra vụ việc, giữa 2 lái xe đã phát sinh mâu thuẫn bột phát, lời qua tiếng lại khi tham gia giao thông trên đường Kim Mã. Quá trình xảy ra tranh cãi, xô xát, nam thanh niên điều khiển xe ô tô BKS 30H-174.6X lấy trong cốp xe 1 vật giống khẩu súng màu đen đe doạ lái xe ô tô của ngân hàng.
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời, khống chế đối tượng đưa về Công an phường Kim Mã để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Theo cơ quan công an, khẩu súng nam thanh niên cầm đe doạ là súng nhựa, loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm. 2 lái xe đều không có nồng độ cồn, chất ma túy trong người. Hiện vụ việc đang tiếp tục được xử lý theo quy định.
Bảo vệ tàu khai thác cát HP-4159 đã rút súng bắn thị uy nhóm ngư dân nuôi ngao (ảnh cắt từ clip) |
Trước đó vào chiều 15/12, Công an huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Đồn Biên phòng Đoàn Xá điều tra, xác minh người trên tàu cát nổ súng đe dọa ngư dân nuôi ngao, xảy ra tại vùng biển trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, sáng 14/12, ông Bùi Văn Tuyển (SN 1972, người dân nuôi ngao trên khu vực biển huyện Kiến Thụy), cùng một số hộ dân phát hiện tàu HP-4159 đang khai thác cát trong phạm vi bãi thả ngao của ông Tuyển. Khi ông Tuyển cùng một số người dân lại gần tàu HP-4159 để xua đuổi thì bị một người đàn ông trên tàu cầm súng bắn đe dọa.
Vào cuộc kiểm tra, lực lượng biên phòng xác định, tàu HP-4159 của Công ty Cổ phần Thương mại vận tải Hoàng Phương. Thời điểm xảy ra sự việc, tàu này có 5 thuyền viên và 5 bảo vệ của mỏ cát Đông Kinh (thuộc khu vực cửa sông Văn Úc, Kiến Thụy) đang khai thác cát trong mỏ được cấp phép.
Trong quá trình khai thác cát, một số người dân đi trên các tàu, thuyền khai thác ngao cho rằng tàu cát khai thác vào bãi nuôi ngao nên xua đuổi, ngăn cản. Ngư dân và thuyền viên lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn. Sau đó, anh Đặng Hữu Cường (SN 1983), bảo vệ của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Nam Phát, được giao nhiệm vụ bảo vệ tàu HP-4159 đã rút súng ngắn bắn cảnh cáo.
Theo xác minh của lực lượng biên phòng, khẩu súng trong vụ việc trên mang nhãn hiệu RG88; số hiệu: RCG19091350, Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng) cấp năm 2020.
Ai được trang bị súng, khi nào mới được sử dụng?
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Cơ quan điều tra cần làm rõ khẩu súng mà ông Cường sử dụng là loại súng gì? Ông Cường có thuộc đối tượng được trang bị và được phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ hay không? Giấy phép sử dụng mà ông Cường xuất trình có được cấp đúng trình tự, thẩm quyền hay không? Từ đó mới có thể đưa ra kết luận và xác định phạm vi trách nhiệm mà ông Cường sẽ phải chịu một cách cụ thể.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Theo luật sư Hoàng Tùng, nếu sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử lý vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Trong trường hợp vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho người khác, gây hậu quả sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 307 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trả lời câu hỏi những ai được cấp súng quân dụng và được nổ súng trong trường hợp nào? Luật sư Hoàng Tùng cho biết, theo quy định tại Điều 18 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA thì vũ khí quân dụng được trang bị cho các đối tượng sau:
Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; Trại giam, trại tạm giam; Học viện, trường Công an Nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh); Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an xã, phường, thị trấn.
Giám đốc công ty bảo vệ dùng súng bắn đạn cao su đe dọa tài xế trên đường, đã phải trả giá |
Theo quy định tại Điều 23 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì các trường hợp nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự bao gồm: Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau đây: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác....
Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó; Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;…
Còn nhớ, ngày 29/10/2020, TAND thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã tuyên phạt 18 tháng tù đối với người đàn ông dùng súng bắn đạn cao su đe dọa một tài xế xe tải do xảy ra mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông. Đây là bài học cho những ai thiếu kiềm chế, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trái quy định của pháp luật.