Hiểu thế nào cho đúng về Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung?
Gần 500 cán bộ, công chức, người lao động đến từ các đơn vị trên địa bàn thành phố tham gia buổi giao lưu
Bài liên quan
Từ ngày 1/7, viên chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cắt hợp đồng
Buổi giao lưu có sự tham gia của gần 500 các bộ công chức, viên chức, người lao động đến từ các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại buổi giao lưu, nhiều câu hỏi liên quan tới xét tuyển công chức, quyền lợi của cán bộ công chức sau khi đơn vị chuyển sang tự chủ, vấn đề xử lý kỷ luật viên chức... đã được trực tiếp gửi tới các chuyên gia và gửi tới hộp thư điện tử.
Ngoài ra, các khái niệm như: Phân biệt cán bộ, công chức và viên chức như thế nào? Việc đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể cụ thể ra sao? Hiểu cụm từ “chính thức bỏ biên chế suốt đời với viên chức” trong luật mới thế nào cho đúng, cũng được các chuyên gia làm rõ.
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu tại chương trình |
Trả lời câu hỏi của chị Vũ Thị Hồng Diệp, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đề nghị làm rõ cụm từ “chính thức bỏ biên chế suốt đời với viên chức” trong Bộ luật sửa đổi, chuyên gia Vũ Minh Huyền, Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết: Theo Luật cũ, sau khi ký hợp đồng làm việc lần đầu thì viên chức sẽ được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đến khi nghỉ việc. Còn theo Luật mới thì viên chức được tuyển dụng sau 1/7 sẽ chỉ ký hợp đồng xác định thời hạn tối đa mỗi lần 60 tháng.
Các chuyên gia trả lời những thắc mắc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức và bạn đọc trực tuyến |
Trả lời câu hỏi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 sẽ có những hình thức kỷ luật nào đối với cán bộ công chức, viên chức? Chuyên gia Vũ Minh Huyền cho biết: Ngày 1/7/2020 là thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức có hiệu lực kéo theo nhiều chính sách mới dành cho viên chức cũng chính thức được áp dụng, trong đó có quy định về kỷ luật cán bộ công chức viên chức. Theo đó, quy định về kỷ luật viên chức được “siết chặt” hơn.
Cụ thể, Luật trước đây quy định, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm, thời hiệu kỷ luật viên chức là 24 tháng; Kể từ khi phát hiện vi phạm, thời hạn kỷ luật viên chức là không quá 2 tháng. Nếu có tình tiết phức tạp thì thời hạn kỷ luật không quá 4 tháng.
Trong đó, thời hiệu kỷ luật là thời hạn mà hết thời hạn đó viên chức có hành vi vi phạm không bị xem xét kỷ luật; Thời hạn kỷ luật là khoảng thời gian từ khi phát hiện vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật. Thực tế có nhiều trường hợp, hành vi vi phạm tinh vi, vô cùng phức tạp, thời hạn và thời hiệu kỷ luật nêu trên còn quá ngắn, khiến việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn...
Anh Trương Anh Quân, Chủ tịch Công đoàn trường Trung cấp Kinh tế, Tài chính Hà Nội đặt câu hỏi |
Theo bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô, từ 1/7 Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung) chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới thay đổi, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Với mong muốn giúp người lao động có thêm kiến thức về những điểm mới của Bộ luật Cán bộ công chức, viên chức (sửa đổi, bổ sung), báo Lao động Thủ đô đã mời các chuyên gia là những người rất am hiểu các lĩnh vực này, sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các khúc mắc mà người lao động quan tâm.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực của báo Lao động Thủ đô, Công đoàn Viên chức thành phố chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2020) và thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố Hà Nội.