Hộ khẩu ở nơi khác làm thẻ căn cước công dân gắn chíp thế nào?
Theo khuyến cáo của Bộ Công an, tất cả nhân dân nên đi làm căn cước công dân gắn chip điện tử. Bởi căn cước công dân gắn chip điện tử sẽ phục vụ các giao dịch và hướng tới giảm thủ tục hành chính.
Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân quy định về việc phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
Căn cước công dân gắn chip điện tử sẽ phục vụ các giao dịch và hướng tới giảm thủ tục hành chính |
Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.
Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó; các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 23 Luật căn cước công dân và cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.
Do đó, khi xin cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, người dân phải đến cơ quan quản lý căn cước công dân tại nơi đăng ký thường trú (ở cấp huyện hoặc cấp tỉnh) để thực hiện thủ tục.
Ngoài ra, người dân cũng có thể nộp hồ sơ và đến cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an để làm thủ tục đổi thẻ căn cước công dân nếu có nhu cầu.
Hiện tính cả thẻ căn cước công dân gắn chip thì tồn tại cùng lúc 4 loại giấy tờ cá nhân có hiệu lực sử dụng đó là Chứng minh nhân dân (CMND) giấy 9 số, CMND giấy 12 số, thẻ căn cước công dân mã vạch và thẻ căn cước công dân gắn chip.
Theo quy định pháp luật, CMND giấy 9 số và 12 số có thời hạn sử dụng 15 năm tính từ ngày cấp. Còn với thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25, 40, 60 tuổi. Nếu CMND, căn cước công dân vẫn còn hạn sử dụng, người dân vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Việt Nam đang tiến tới toàn dân sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, thống nhất một loại giấy tờ.