Hỗ trợ giới trẻ Thủ đô khởi nghiệp công nghiệp văn hóa
Đó là một trong các nhiệm vụ được đưa ra tại Kế hoạch số 217/KH-UBND của UBND TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuổi trẻ Thủ đô trở thành lực lượng tiên phong, được kỳ vọng sẽ là thế hệ làm chủ và phát huy những thế mạnh của công nghệ thông tin trong sáng tạo, thúc đẩy công nghiệp văn hóa |
Thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về CNVH. Trong đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì tổ chức hội nghị quán triệt, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, biên soạn và xuất bản ấn phẩm; Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững Thủ đô.
Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về phát triển các ngành CNVH Thủ đô với cả nước, khu vực và thế giới, tạo sự thay đổi và vào cuộc tích cực của các chủ thể tham gia phát triển các ngành CNVH (doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, văn nghệ sỹ, nghệ nhân,… và Nhân dân); Khuyến khích những cách nhìn mới, tư duy mới về CNVH để động viên cao nhất đối với lực lượng lao động sáng tạo văn hóa nhằm tạo ra những giá trị văn hóa mới để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực, là thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại và sáng tạo, ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.
Kế hoạch cũng yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển CNVH. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển CNVH trên các lĩnh vực: Du lịch văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Quảng cáo, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Thời trang... đảm bảo phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ chủ lực, giải pháp phát triển liên kết vùng trong phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô; Nghiên cứu giải pháp phát triển: Kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị…phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
UBND TP yêu cầu đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn cao, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành CNVH trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…; Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chương trình giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục Thủ đô; Chú trọng tạo lập môi trường văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái giáo dục trong nhà trường gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh văn minh, thanh lịch… Thành đoàn Hà Nội tổ chức phát động và triển khai các chương trình nhằm khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp các lĩnh vực CNVH trong thanh niên, sinh viên và giới trẻ Thủ đô.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; Phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo giới thiệu các công trình văn hóa, sản phẩm làng nghề của thành phố trên mạng Internet và các nền tảng truyền thông số.
Cùng với đó, TP phát triển thị trường CNVH, thu hút và hỗ trợ đầu tư, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng; Mở rộng giao lưu trao đổi văn hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước; Chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giao lưu, tiếp thu kinh nghiệm phát triển CNVH của các nước, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong nước và phát huy những kinh nghiệm trong phát triển CNVH Thủ đô.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Các Viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Thủ đô; Chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ phát triển Mạng lưới Thành phố Sáng tạo tại đơn vị mình; Xây dựng chương trình giáo dục sáng tạo để hình thành “thế hệ trẻ sáng tạo”;
Đồng thời, TP tổ chức các cuộc thi để khuyến khích sinh viên phát huy khả năng sáng tạo và kết nối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu về sử dụng nguồn nhân lực, các ý tưởng thiết kế sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.