Hoà nhập toàn diện giáo dục nhưng vẫn thấm đẫm văn hoá Việt
Giáo dục lịch sử địa phương: Nhiều cách làm sáng tạo Đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong cuộc cách mạng 4.0 |
Dự buổi lễ còn có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội…
Đơn vị hàng đầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm, được thành lập năm 1956, là cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Việt Nam. Trong thời gian qua, Học viện không ngừng tự chủ, sáng tạo để luôn đi đầu trong đào tạo, nghiên cứu, phục vụ xã hội. Ghi nhận những thành tích của Học viện, Đảng và Nhà nước đã hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Nhiều cán bộ, giảng viên, cựu sinh viên Học viện cũng vinh dự nhận các danh hiệu cao quý này và các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự Lễ khai giảng năm học mới tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Trí Dũng) |
Tại chương trình, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: “Hôm nay, ngày 12/10, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tròn 68 năm thành lập. Trong suốt chặng đường 68 năm ấy, Học viện đã không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để khẳng định là một trong những đơn vị hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn…”.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thấy trọng trách của mình trong việc đồng hành với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong thời đại mới. Công cuộc phát triển này Học viện tiếp tục sứ mệnh đào tạo nguồn lực làm chủ được công nghệ tiên tiến và hiện đại; tạo lập nên các giá trị mới nhằm khai thác tốt hơn các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, xanh - hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu…
GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Trí Dũng) |
Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên tầm cao mới, phát huy tự chủ đại học. Năm học này Học viện đón hơn 6.000 sinh viên, các em sinh viên khoá 69 đang từng giờ hoà nhập với hơn 20.000 sinh viên miệt mài học tập trên các giảng đường, các phòng thí nghiệm với trang thiết bị tiện ích, hiện đại. Cùng đồng hành với sinh viên là gần 1.300 cán bộ, viên chức, trong đó có gần 700 giảng viên, nhà khoa học có học hàm, học vị cao: tiến sĩ, giảng viên cao cấp, phó giáo sư, giáo sư… với tấm lòng yêu nghề, thương yêu sinh viên.
Xây dựng mô hình đại học kiểu mẫu
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội trong thời gian qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại chương trình |
Nhân dịp này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các Bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Trường đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo Quốc gia, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Vì vậy, Học viện phải phấn đấu để không những là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước mà còn phải là một cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao trong khu vực và thế giới, một trung tâm của đổi mới sáng tạo, một địa chỉ tin cậy của khởi nghiệp Quốc gia. Học viện cần xây dựng một Đề án phát triển tổng thể với lộ trình phù hợp để trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đa phân hiệu theo mô hình của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Các bộ ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo… có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ Học viện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Đề án này…;
Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay bên cạnh kiến thức được học còn cần có kỹ năng chuyên môn tốt, có khả năng thích ứng nhanh, kịp thời với trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và chuyển đôi số. Ngoài ra, các em cần phải có kỹ năng tự học suốt đời, đổi mới sáng tạo, có khả năng tư duy phản biện và hợp tác, cùng với các kĩ năng mềm khác, đảm bảo các em có đủ năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng. Vì thế, các trường đại học, trong đó có Học viện, phải tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo phải đảm bảo tính tương thích, hội nhập, quốc tế hóa theo các chuẩn mực tiên tiến càng sớm càng tốt; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm phòng truyền thống Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Trí Dũng) |
Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các cơ sở giáo dục đại học trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phải tiếp tục thực hiện công cuộc tự chủ đại học thực chất hơn và ở tầm cao mới, theo các tiêu chí và thông lệ của giáo dục đại học ở các nước phát triển; đảm bảo hội nhập toàn diện hơn về giáo dục đại học nhưng vẫn thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt, xuất phát từ thực tiễn đất nước và con người Việt Nam.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách để các trường đại học thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ đại học, để chúng ta sớm có một hệ thống giáo dục đại học có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”. “Tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư mà là đầu tư theo các kết quả đầu ra mà cơ sở giáo dục cam kết với Nhà nước; đặc biệt là ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ với các ngành nghề khó xã hội hóa, ít hấp dẫn đối với người học nhưng đất nước đang thực sự rất cần và là thế mạnh của chúng ta như nông, lâm, ngư nghiệp”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tặng bức ảnh Bác Hồ cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Trí Dũng) |
Tổng Bí thư cũng yêu cầu, nghiên cứu của Học viện phải hướng tới phục vụ mục tiêu “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh". Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng cao, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng và văn minh…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ khánh thành “Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học công nghệ” từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (Ảnh: Trí Dũng) |
Trong khuôn khổ sự kiện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cắt băng khánh thành “Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học công nghệ” từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).
Dự án SAHEP - VNUA từ nguồn vốn của WB được triển khai tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo của Học viện. Cơ sở vật chất kỹ thuật của Học viện phát triển mạnh mẽ, khang trang, hiện đại với 13 công trình được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu làm việc, giảng dạy, học tập của cán bộ viên chức và sinh viên gồm: nhà làm việc của các Khoa: Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Thú y...; công trình Giảng đường Trung tâm, Trung tâm nghiên cứu xuất sắc và đổi mới sáng tạo; các tuyến đường giao thông nội bộ; công trình Tòa nhà Trung tâm với Hội trường trung tâm có sức chứa 1.200 chỗ, Trung tâm Hội nghị quốc tế VNUA có sức chứa 800 chỗ; công trình vòng xuyến trung tâm với biểu trưng mới của Học viện; công trình cổng Học viện mới với hai con chim lạc, bức phù điêu mô tả lịch sử phát triển nông nghiệp và Học viện. |