Họa sĩ Nguyễn Hiển mở triển lãm “Vô hình & Hữu hình”
Triển lãm 300 tài liệu, sách, báo nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam |
Nguyễn Hiển cho biết: “Triển lãm do tôi cùng một đồng nghiệp cùng tổ chức. Đây là triển lãm chung nhưng với tôi, nó như là một triển lãm cá nhân, vì tranh của 2 người trưng bày trong 2 không gian khác nhau. Cá nhân tôi có gần 30 bức tranh. Với số lượng tranh nhiều như vậy thì giống như đây là triển lãm cá nhân lần thứ 2 của tôi vậy”.
Họa sĩ Nguyễn Hiển |
Toàn bộ tác phẩm được anh vẽ trong khoảng thời gian từ năm 2018- 2021. Nguyễn Hiển chia sẻ: “Đây là giai đoạn tôi triển phong cách vẽ mới và rất ưng với lối này. Nó đúng với con người và cá tính của tôi. Tôi vẽ phụ nữ, những người đàn bà với tâm trạng tù túng, muốn bùng nổ để thoát ra khỏi sự bế tắc đó”.
Khi “được” nhận xét rằng phụ nữ trong tranh anh thường… xấu, Nguyễn Hiển phản biện: “Xấu là xấu thế nào? Tôi hỏi nhé, mẹ của chúng ta khi về già có xấu không? Chắc chắn là hình ảnh người mẹ bao giờ cũng đẹp rồi, cho dù họ già nua, còng lưng, da dẻ nhăn nhúm thì vẫn cứ tuyệt đẹp. Ta thấy mẹ đẹp vì ta rất hiểu những điều tốt đẹp ở mẹ.
Với những người đàn bà trong tranh của tôi, tôi vẽ những vẻ đẹp mà tôi hiểu được ở họ. Với tôi, vẻ đẹp không chỉ là hình thức bề ngoài. Vẻ đẹp là ở nội tâm, sự nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh… Ngoài ra, ở họ còn có vẻ đẹp của những khát khao yêu thương mạnh liệt, của những cảm xúc thầm lặng.
Với đàn ông, nếu đam mê một cô gái nào, họ có thể làm đủ mọi điều điên rồ nhất ví dụ như phóng xe cả trăm ki lô mét để tiếp cận, trồng cây si, tán tỉnh, và mọi thủ đoạn để cưa đổ cô gái đó. Thường thì hành động đó thường được ca ngợi như một sự lãng mạn. Tuy nhiên, phụ nữ mà hành động như vậy thì lại bị coi là hư hỏng, là không nữ tính.
Những bức tranh "Chờ đợi" của họa sĩ Nguyễn Hiển |
Phụ nữ thì cũng giống đàn ông, họ có những tình cảm, ham muốn của riêng mình. Và khi không thể chủ động, họ chỉ còn cách chờ đợi, mong mỏi, hy vọng và khao khát. Điều đó đâu phải là xấu, mà là vẻ đẹp đấy chứ. Tôi vẽ sự khao khát đó trong con người phụ nữ, chứ không vẽ nhan sắc của họ...”.
Có phải anh rất yêu phụ nữ và là người đa tình nên mới vẽ nhiều về phụ nữ? Trước câu hỏi khá bất ngờ ấy, Nguyễn Hiển trả lời: “Có thể tôi yêu phụ nữ, nhưng đó là cách yêu riêng của tôi. Với tôi, phụ nữ Việt Nam rất đáng khâm phục. Tôi rất ám ảnh về những phụ nữ bé nhỏ chở con trên chiếc xe máy đi xiêu vẹo giữa dòng xe cuồn cuộn, nhìn vô cùng nguy hiểm.
Còn nhớ trước đây từng có dự thảo “người ngực lép không được lái ô tô, xe máy”, có thể người nghĩ ra cái dự luật này muốn an toàn hơn cho những người phụ nữ bé nhỏ kia chăng? Nếu dự luật này thành hiện thực thì tôi cam đoan rằng, những người phụ nữ yếu ớt kia vẫn sẽ là người đưa con đến lớp. Nếu không cho họ đi xe máy thì họ sẽ đi xe đạp hoặc cõng con đi bộ.
Niềm vui của những người phụ nữ đó là gì? Họ khát khao điều gì? Tôi đã trăn trở và vẽ về nỗi khát khao âm thầm đó của họ. Những người phụ nữ trần trụi trong tranh của tôi làm sao mà nuột nà được, khi sâu thẳm trong họ luôn là nỗi khắc khoải không được giải tỏa”.
Trân trọng phụ nữ là thế, yêu thương phụ nữ là thế, ấy vậy mà, khi truyền tải những tình cảm này vào tranh, họa sĩ Nguyễn Hiển lại gặp phải tình huống khá… khó giải thích.
“Có kỷ niệm khá buồn cười, một lần để thể hiện tâm trạng của nhân vật đang gào thét, vừa vẽ tôi vừa hét lên. Lúc sau tôi đi ra ngoài, mấy bà hàng xóm cứ xì xào nhìn tôi. Một bà còn bảo rằng, vợ chồng có gì thì… nhẹ nhàng bảo nhau”, Nguyễn Hiển dí dỏm kể.
Triển lãm này dự định diễn ra từ tháng 5 nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. Việc này khiến họa sĩ khá hụt hẫng và tụt cảm xúc rất nhiều. Tuy nhiên trong khoảng 2 tháng “chờ đợi” đó, nhiều tác phẩm mới của anh đã ra đời và chúng đều có tên “Chờ đợi 1”, “Chờ đợi 2”…