Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong thời hội nhập
![]() |
Lấy mẫu nước thải để kiểm tra hàm lượng các chất gây ô nhiễm |
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định về mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.
Quy chuẩn kỹ thuật môi trường có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý môi trường, đó là công cụ phục vụ quản lý nhà nước, đảm bảo lợi ích cho môi trường và lợi ích của cộng đồng; Đồng thời, đó cũng là cơ sở để đánh giá chất lượng môi trường xung quanh và kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt do con người gây ra.
Theo Tổng cục Môi trường, việc áp dụng QCVN chung cho các địa phương trên phạm vi toàn quốc trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình áp dụng tại các địa phương vẫn còn bộc lộ một số bất cập do đặc thù về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý… của các địa phương có sự khác biệt.
Việc áp dụng các QCVN về môi trường ở mỗi địa phương cũng khác nhau; cùng một lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhưng cơ quan quản lý môi trường yêu cầu áp dụng QCVN về môi trường đối với nước thải, hoặc khí thải cũng có thể không giống nhau.
Thậm chí ngay cả ở Bộ Tài nguyên và môi trường cũng áp dụng quy chuẩn khác nhau trong yêu cầu khi phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và khi cấp Giấy phép xả thải, hoặc chưa có nghiên cứu, đánh giá sức chịu tải của các nguồn tiếp nhận chất thải (sông, suối, ao, hồ, kênh mương,…).
Điều này dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện theo quy chuẩn môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng quy chuẩn xả thải theo mục đích sử dụng nước cũng gặp khó khăn, đặc biệt là ở khu vực liên vùng, liên tỉnh.
Chẳng hạn như việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Theo quy định hiện hành, các nguồn nước thải từ các hoạt động công nghiệp khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải phải tuân thủ QCVN về chất lượng môi trường, cụ thể là phải tuân thủ theo QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp.
Đối với nước thải công nghiệp của một số ngành đặc thù, được áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng. Tuy nhiên, quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải giữa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp của một số ngành đặc thù được nới lỏng hơn so với QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (Quy chuẩn chung).
![]() |
Lấy mẫu nước thải để kiểm tra hàm lượng các chất gây ô nhiễm |
Hay như đối với ngành Sản xuất thép, theo quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp yêu cầu nước thải phải đảm bảo 33 chỉ tiêu kỹ thuật trước khi xả thải ra môi trường thì QCVN 52:2017/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép ngành Sản xuất thép quy định chỉ có 24 thông số ô nhiễm trong nước thải Khu liên hợp sản xuất gang thép để làm cơ sở tính giá trị chỉ tiêu hoặc 13 thông số ô nhiễm trong nước thải của các cơ sở luyện cán thép để làm cơ sở tính giá trị tối đa cho phép.
Tại ngành Công nghiệp giấy và bột giấy, nếu quy chuẩn chung là 33 tiêu chí thì QCVN12 - MT: 2015/BTNMT chỉ quy định 8 chỉ tiêu…Như vậy, quy chuẩn xả thải quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải một số ngành được nới lỏng hơn so với QCVN 40:2011/BTNMT sẽ tạo ra sự không thống nhất trong việc áp dụng.
Chính vì vậy, vấn đề kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường nói chung phải thống nhất được tiêu chuẩn trên toàn quốc.
Ở Nhật Bản, tiêu chuẩn nước thải thống nhất toàn quốc (tiêu chuẩn nồng độ) đã được thiết lập cho tất cả các nhà máy và cơ sở kinh doanh và những cơ sở có liên quan được quy định theo đó. Trường hợp nhận thấy tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc không bảo vệ môi trường nước một cách đầy đủ, mỗi địa phương có quyền thiết lập các quy định với các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc.
Để hoàn thiện hệ thống QCVN, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để xem xét áp dụng tại Việt Nam, trước mắt ưu tiên tiên rà soát, sửa đổi 02 QCVN để kịp thời cập nhật, phù hợp với quy định chung quốc tế và thực tế áp dụng tại Việt Nam: QCVN 15:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất; QCVN 54:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất.
Việt Nam hiện đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng, tham gia vào các Hiệp định thương mại lớn như WTO, CPTPP, EVFTA... nên việc rà soát đánh giá để sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường đáp ứng yêu cầu hội nhập là hết sức cần thiết; việc rà soát, đánh giá phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định tại Điều 114 Luật bảo vệ môi trường 2014; phải được xem xét trên cơ sở toàn diện trong công tác kiểm soát ô nhiễm; giám sát và quan trắc môi trường, thanh tra, kiểm tra; đánh giá về những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đặc biệt đối với chất thải và xử lý chất thải.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực bảo vệ môi trường, cho đến nay Bộ TN&MT đã ban hành 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, qua đó nhằm tăng cường kiểm soát việc phát thải cũng như kiểm soát chất lượng môi trường xung quanh.
Hệ thống QCVN về môi trường là công cụ quản lý quan trọng, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong những năm vừa qua.
Tương tự như các nước trên thế giới và khu vực, QCVN về chất lượng môi trường được xây dựng nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Các QCVN về chất thải được xây dựng căn cứ vào công nghệ thực tế tốt nhất hiện có, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế – xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình xây dựng các QCVN, cơ quan soạn thảo đều tiến hành tham khảo tiêu chuẩn môi trường của các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính hài hòa và thực hiện khảo sát đánh giá thực tế để khi ban hành việc áp dụng QCVN phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Riêng về kiểm soát chất lượng không khí, hiện nay Bộ TN&MT đã ban hành 11 QCVN để kiểm soát khí thải cho các ngành công nghiệp và 02 QCVN quy định về chất lượng môi trường không khí xung quanh (QCVN 05:2013/QCVN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; QCVN 06:2009/QCVN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh).
Các thông số cũng như ngưỡng quy định trong các QCVN đều đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều kiện thực tế ở Việt Nam, đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường.
Nhìn chung, các QCVN về môi trường hiện nay đã được xây dựng đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí một số ngưỡng quy định còn tiệm cận với quy định của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU).
Trong quá trình áp dụng các QCVN, Bộ TN&MT thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân để xem xét, điều chỉnh các QCVN cho phù hợp với thực tế áp dụng và mục tiêu bảo vệ môi trường theo từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước. Đồng thời, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện các bộ quy chuẩn để đánh giá, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực về bảo vệ môi trường.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhiều khu vực ngày nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào

Đảm bảo cung ứng đủ nước sạch phục vụ Nhân dân trong dịp hè

Hà Nội siết chặt các phương án ứng phó thiên tai từ cơ sở

Bắc Bộ có nơi nắng nóng gay gắt

Phế thải tuồn vào dự án, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 35 độ C

Thời tiết ngày 2/5: Nhiều khu vực mưa rào và dông

Đoàn kiểm tra rời đi, doanh nghiệp lại tuồn chất thải vào dự án

Quảng Nam: Chất lượng đất đắp nền tại mỏ Hóc Tra có bảo đảm?
