Hoàng thành Thăng Long có nét độc đáo riêng, nối tiếp suốt chiều dài lịch sử
UNESCO đánh giá cao nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhận định: Trong số 3 “cố đô” của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới (Cố đô Hoa Lư, Cố đô Huế và Hoàng thành Thăng Long) thì Hoàng thành Thăng Long có nét độc đáo riêng, thể hiện sự nối tiếp, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đây được coi là trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô của Việt Nam - nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử.
Trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đồng chí Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo |
Đến nay, về cơ bản các khuyến nghị của UNESCO đã và đang tiếp tục được các cơ quan quản lý di sản của thành phố Hà Nội thực hiện đầy đủ, từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đến việc bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; Xây dựng và ban hành các quy chế bảo vệ di sản; Xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, Quy hoạch và đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản, ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tới di sản, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học...
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.
Chính vì vậy, đồng chí Hoàng Đạo Cương cho rằng Hội thảo Khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội” sẽ là cơ hội tốt nhất để chúng ta góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản có tầm quan trọng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, Hội thảo này càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh UNESCO đang tổ chức các hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
"Để thực hiện được các mục tiêu của Hội thảo đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị các quý vị đại biểu tập trung thảo luận theo hướng bổ sung, làm rõ về các cơ sở tư liệu khoa học; Đề xuất các phương án phù hợp nhằm khôi phục một cách hữu hiệu Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Bảo tồn một công viên lịch sử nơi giáo dục truyền thống, tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học; Đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2027, tầm nhìn 2035 và các giải pháp quản lý, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong giai đoạn tới…
Chúng tôi tin tưởng các kinh nghiệm mà quý vị đại biểu chia sẻ, gợi mở trong hội thảo quốc tế lần này sẽ là những định hướng quý báu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và các Di sản thế giới ở Việt Nam", đồng chí Hoàng Đạo Cương bày tỏ.