UNESCO đánh giá cao nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long
Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long |
Di sản hiếm hoi trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài
Có mặt tại buổi Hội thảo, ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá tại Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa khắp Châu Á.
Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
"Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Đồng thời, các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng", ông Christian Manhart nhấn mạnh.
Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Việc ghi tên Khu Trung tâm của Hoàng thành vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO là một vinh dự tạo ra những cam kết và trách nhiệm mới cho tất cả mọi người.
Việc hoàn thành kế hoạch quản lý toàn diện vào năm 2013 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng. Đây là một công cụ đắc lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tăng cường cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan; Lồng ghép quản lý và bảo tồn; Cải thiện việc diễn giải về khu di sản và các chương trình giáo dục và tiếp tục đầu tư vào nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên.
Theo ông Christian Manhart: "Hoàng thành Thăng Long là khu di sản duy nhất ở Việt Nam có Hội đồng tư vấn khoa học cụ thể, các thành viên có mặt hôm nay đang đưa ra lời khuyên cho tất cả các quyết định về di sản. Cá nhân tôi ngưỡng mộ sự cống hiến của các thành viên Hội đồng. Tôi xin chúc mừng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã nỗ lực không mệt mỏi trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích".
Các đại biểu tham gia Hội thảo |
Kết quả và khuyến nghị của Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở khoa học để Hoàng thành Thăng Long xây dựng kế hoạch trùng tu lâu dài cho di sản kiến trúc. Điều quan trọng là phải xem xét các tài liệu hiện có và tư vấn các giải pháp khoa học về cách thức khai quật, bảo quản và trùng tu những gì còn lại của Điện Kính Thiên và Chính điện, đồng thời bảo tồn tòa nhà Cục tác chiến.
"Thưa quý vị, tôi tin tưởng rằng với chuyên môn cao thu thập được ngày hôm nay, chúng ta sẽ có những bước tiến lớn về phía trước. Tôi có thể đảm bảo với quý vị sự ủng hộ toàn diện của UNESCO và chúc tất cả chúng ta có những cuộc thảo luận thú vị và hiệu quả", ông Christian Manhart cho biết.
Hình mẫu sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Thay mặt Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang hoan nghênh những nỗ lực trong 20 năm qua của thành phố Hà Nội nói chung và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nói riêng trong công tác trùng tu, gìn giữ khu di sản; Để Hoàng thành Thăng Long được xem như một hình mẫu về sự phối hợp giữa thành phố, ban quản lý với các chuyên gia, nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Vinh Quang phát biểu tại Hội thảo |
Chính vì thế, ông Phạm Vinh Quang cho rằng: "Hội thảo là cơ hội quan trọng để tổng kết hoạt động trong 20 năm qua và định hướng trong thời gian tới việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới; Công tác nghiên cứu khoa học, khảo cổ học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Hội thảo của chúng ta cũng mang tầm quốc tế bởi không chỉ thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia học giả hàng đầu của Việt Nam mà còn của các chuyên gia hàng đầu quốc tế đến từ nhiều quốc gia và các tổ chức UNESCO, ICOMOS, ICOM…
Hội thảo cũng là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện mà Việt Nam tổ chức cùng kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Chỉ mới hôm kia, Tổng Giám đốc UNESCO bà Audrey Azoulay phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới tại Ninh Bình đã nhấn mạnh “Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Đó là điều kiện tiên quyết... Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, mà Việt Nam là một ví dụ…”.
Sự hiện diện tại Hội thảo ngày hôm nay của các lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là một minh chứng rõ ràng cho sự coi trọng đối với vai trò của văn hóa nói chung và cam kết đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nói riêng của thành phố Hà Nội".
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự Hội thảo |
Về Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong suốt 35 năm tham gia Công ước 1972, đã thường xuyên và tiếp tục cam kết là kênh kết nối nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn bảo tồn di sản; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và giáo dục di sản.
“Tôi cũng hoan nghênh và mong muốn trung tâm sẽ hoàn thiện khung kế hoạch quản lý giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 và chương trình hành động, các giải pháp và lộ trình bảo vệ, nghiên cứu khoa học, cũng như các biện pháp phát huy giá trị của di sản như: Tuyên truyền, quảng bá và phát triển các hoạt động dịch vụ gắn với phát triển bền vững", ông Phạm Vinh Quang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, theo báo cáo, cũng còn gặp một số khó khăn trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhất là việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất.
Chính vì thế, ông Phạm Vinh Quang hy vọng hội thảo sẽ là diễn đàn quan trọng và là dịp để các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quốc tế và trong nước cùng nhau nhìn lại chặng đường hoạt động 20 năm qua của trung tâm; Cùng thảo luận, trao đổi các kinh nghiệm và bài học quý giá giữa các cơ quan quản lý di sản tương tự của các nước trên thế giới và nước ta; Cùng nhau tháo gỡ những rào cản, xây dựng chính sách tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
"Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở để Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra các chính sách và biện pháp phù hợp, nhất là các giải pháp khảo cổ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để phát huy giá trị của di sản thế giới; Mở rộng hợp tác quốc tế, tham khảo các bộ công cụ giám sát của UNESCO và các nước trên thế giới phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam", ông Phạm Vinh Quang khẳng định.