Hơn 1 triệu mét khối cát sông Cổ Cò vẫn chưa đấu giá thành công
1,3 triệu m3 cát ven sông Cổ Cò sau nạo vét đang chờ được xử lý (Ảnh: V.Q) |
Ngày 9/3, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết, khối lượng cát tạp chất sau nạo vét sông Cổ Cò thuộc dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP Hội An, đến nay vẫn chưa được đấu giá thành công.
Trong thời gian qua, chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đấu giá vật liệu cát nạo vét sau quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, sau ít nhất 3 lần tổ chức đấu giá, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào tham gia đấu giá đối với 1,3 triệu m3 cát tại sông Cổ Cò.
1,3 triệu m3 cát sau nạo vét được tập kết ven sông Cổ Cò (Ảnh: V.Q) |
Trước đó, năm 2022, trong lần tổ chức đấu giá đầu tiên, Công ty Đấu giá Hợp Danh Quảng Việt đã có thông báo nhiều lần đối với tổng lượng cát bán đấu giá tận thu 1,3 triệu m3 sau nạo vét tại sông Cổ Cò.
Theo đó, mức giá đối với mỗi m3 cát tận thu tại sông Cổ Cò là 144 ngàn đồng. Giá khởi điểm của tổng 1,3 triệu m3 là hơn 187,8 tỷ đồng.
Mức giá, giá khởi điểm, khối lượng cát bán tận thu thực hiện theo Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 24/08/2022 của UBND tỉnh.
Theo đơn vị tổ chức đấu giá, giá khởi điểm trên là giá bán tài sản Nhà nước và không bao gồm thuế VAT; chưa bao gồm các khoản phí, lệ phí, thuế liên quan đến việc mua bán, nhận quyền sở hữu tài sản (nếu có); người trúng đấu giá phải chịu các khoản chi phí, lệ phí và thuế liên quan.
Nguồn cát Cỏ Cò sau nạo vét chưa được xử lý nhiều tháng nay (Ảnh: V.Q) |
Sản lượng thu gom được khoán trọn gói theo phương án quản lý, thu hồi, bán đấu giá nguồn vật liệu sau nạo vét dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP Hội An theo Quyết định số 1893 năm 2021 và Quyết định số 2216 năm 2022 của UBND tỉnh.
Người mua tài sản phải thực hiện thu gom cát từng đợt theo kế hoạch của chủ đầu tư, đúng địa điểm các bãi chứa cát, thời gian thu gom, phương thức, kỹ thuật và bàn giao mặt bằng đúng hạn.
Trước tình trạng nhiều lần tổ chức đấu giá không thành công, phía chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo nhất là khi đến nay vẫn chưa xác định lại được giá khởi điểm.
Sông Cổ Cò chảy qua địa phận giữa thị xã Điện Bàn và TP Hội An (Ảnh: V.Q) |
Theo chủ đầu tư, hiện nay để tiếp tục triển khai tổ chức đấu giá cát sau nạo vét tại sông Cổ Cò thì phía đơn vị tư vấn giá phải xác định lại được giá khởi điểm.
Được biết, nhiều đơn vị đang thi công công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang cần nguồn vật liệu cát để triển khai dự án. Do đó, việc tổ chức đấu giá khoáng sản, nhất là vật liệu cát sẽ giúp các đơn vị có nguồn để thi công công trình.
Lấy cát nạo vét sông Cổ Cò thi công đập ngăn mặn sông Vĩnh Điện Theo chủ đầu tư, vừa qua, các đơn vị liên quan đã thống nhất để UBND thị xã Điện Bàn thực hiện việc lấy một phần nguồn cát sau nạo vét tại sông Cổ Cò (phường Điện Dương) để phục vụ thi công đắp đập ngăn mặn tại sông Vĩnh Điện (phường Điện Ngọc). Trước đó, vào năm 2023, UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương, cho phép thị xã Điện Bàn sử dụng nguồn vật liệu cát đã được nạo vét tại sông Cổ Cò để thi công đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Theo UBND thị xã Điện Bàn, do nguồn cát đắp đập được lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn còn sản lượng khai thác nhưng không hoạt động. Do vậy, việc thi công công trình của các đơn vị liên quan gặp khó khăn nếu không có cát. Từ năm 2013 đến nay, các đơn vị tại thị xã Điện Bàn đã và đang triển khai phương án làm đập ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo tạo nguồn nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp tại các xã, phường vùng Đông của thị xã Điện Bàn và các khu vực thuộc TP Hội An. |