Hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ được huy động ứng phó với bão Yagi
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về về kết quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cơn bão số 3.
Lực lượng vũ trang Thủ đô tham gia khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong sáng 8/9 |
Bộ Tư lệnh Thủ đô ban hành 6 đầu văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ứng phó bão số 3; theo chức năng, nhiệm vụ được triển khai gồm:
Chuẩn bị sẵn sàng vận hành 324 trạm bơm với công suất khoảng 4.000.000m3/h cho kịch bản mưa từ 200mm đến trên 300mm (gây ngập lớn nhất dự kiến 52.400ha); triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước để đảm bảo phòng lũ cho gần 89 hồ chứa thủy lợi; chủ động vận hành trạm bơm tiêu nước đệm trên toàn hệ thống.
Rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi.
Rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu (đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tai trước đây, rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất...); Chỉ đạo dừng một số hoạt động khi xảy ra mưa bão; chỉ đạo các trường học cho toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ học ngày 7/9/2024.
Đối với công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện: Đã rà soát, sẵn sàng toàn bộ nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ" trong các kế hoạch, phương án được duyệt.
Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động, hiệp đồng sẵn sàng với các đơn vị Quân đội, Công an, tổng quân số 10.732 cán bộ, chiến sỹ và 303 phương tiện. Ngoài ra, còn có lực lượng của các địa phương thực hiện ứng trực để ứng phó với mưa bão như: Trực ban, tuần tra, canh gác, xử lý giờ đầu các sự cố.
Về công tác sơ tán dân: Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thực hiện rà soát, triển khai di rời, sơ tán trên 600 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu trên địa bàn các quận, huyện, thị xã Hoàng Mai, Đông Anh, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Ba Vì, Mê Linh, Gia Lâm, Mỹ Đức, Sơn Tây,… có nguy cơ mất an toàn do bão.
Tính đến ngày 17 giờ 30 ngày 8/9, bão số 3 đã làm đổ 20,070 cây; sập, tốc mái 723 nhà; hư hỏng 52 chiếc ô tô, 7 chiếc xe máy; làm 4 người chết, 17 người bị thương, 13.658ha lúa ngập, 177 cột điện viễn thông đổ…
Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã đã huy động 1,522 cán bộ, chiến sĩ cùng đơn vị quân đội hiệp đồng 596 lượt đồng chí tham gia khắc phục các sự cố... Tối 7/9, ngay trong đêm đã huy động 573 cán bộ, 80 phương tiện, 200 cưa của các đơn vị cây xanh cùng sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan và lực lượng tại chỗ của địa phương.
Cùng đó, các đơn vị khơi thông, tua vớt rác, bơm hút nước giải toả các điểm úng ngập cục bộ; chỉ đạo xử lý, khắc phục các sự cố điện đảm bảo cung cấp điện cho Nhân dân và các trạm bơm tiêu, hoàn thành trong ngày 8/9/2024.
Các đơn vị kịp thời triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập ngoại thành. Trường hợp hết mưa, sẽ đảm bảo tiêu thoát hết diện tích bị ngập trong vòng 1 ngày (đến 5h ngày 8/9 các công ty Thủy lợi vận hành 48 trạm bơm tiêu với 242 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu 1.101.800m3/h).
Riêng đối với diện tích lúa bị đổ, sẽ huy động lực lượng quân đội và người dân buộc dựng, cứu lúa, xong trước ngày 10/9/2024. Đồng thời, ngay sau cuộc họp, TP sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án tăng cường sản xuất vụ đông để bù đắp cho những diện tích, rau màu vụ mùa bị thiệt hại;
Cùng đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô tiếp tục, khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, khắc phục sự cố, dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phục hồi sản xuất và đảm bảo đời sống Nhân dân đảm bảo nhanh và hiệu quả nhất.