Đau đầu giải quyết thức ăn tích trữ sau cơn bão số 3
Không nên tích trữ lượng thực phẩm lớn
Lo ngại bão ảnh hưởng kéo dài, trong ngày 6/9, nhiều người dân Thủ đô đã tìm đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ nhu yếu phẩm. Tại một số siêu thị lớn như Big C, Winmart, lượng khách mua hàng tăng đột biến khiến một số thời điểm, kệ hàng rau thịt hết hàng.
Ngoài thực phẩm tươi, đồ khô, bếp gas và đèn tích điện cũng là mặt hàng bán chạy. Các mặt hàng đồ khô được dự trữ chủ yếu là gạo, bún khô, mì ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai... cũng nhanh chóng hết sạch hàng.
Người dân đô xô tích trữ thực phẩm trước cơn bão số 3 khiến nhiều quầy hết hàng hóa |
Để ứng phó với cơn bão số 3, lực lượng chức năng đảm bảo cung ứng các loại hàng hóa nhu cầu. Sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu.
Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng 5 - 10 ngày sử dụng. Do đó, nhiều đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo khuyến cáo người dân không nên đi mua, tích trữ quá nhiều hàng hóa so với nhu cầu trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn tư tưởng "phòng hơn chống". Không ít bà nội trợ còn lo xa sợ bão đổ bộ có thể gây cho giao thông tê liệt trong vài ngày nên tranh thủ tích trữ thức ăn đủ... một tuần.
Chị Nguyễn Thu Hà (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ "Cứ sợ bão lớn ập vào Hà Nội, việc mua bán đi chợ sẽ gặp khó khăn trong vài ngày tới nên tôi đã đi chợ từ ngày 6/9 mua tới 10kg thịt lợn, 100 quả trứng gà, nhiều rau xanh, bí đỏ.... tích trữ đầy chặt tủ lạnh.
Tối 7/9, khu vực nhà tôi bị mất điện khoảng 5 tiếng đồng hồ, tủ lạnh bị cắt điện đột ngột không biết thực phẩm có đảm bảo tươi ngon, gia đình lại phải "đau đầu" nghĩ cách giải quyết hết chỗ thực phẩm đã tích trữ".
Không sử dụng thực phẩm trong tủ lạnh mất điện đã có dấu hiệu hư hỏng
Để bảo quản lượng thực phẩm tươi "khổng lồ" do nhiều gia đình mua tích trữ phòng mưa bão, những chiếc tủ lạnh đều phải hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, trong chiều và tối 7/9, một số khu vực bị mất điện do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Trước đó, đa phần các gia đình thường cài đặt tủ lạnh ở một nhiệt độ nhất định nhằm giữ độ tươi ngon của thực phẩm. Thế nhưng, tình trạng bị mất điện đột ngột trong thời gian dài sẽ làm tủ lạnh không thể hoạt động, khiến công việc bảo quản cũng gặp nhiều trở ngại hơn.
Phân loại thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh |
Nhiều bà nội trợ lo lắng lượng thức ăn quá lớn cộng thêm việc tủ lạnh mất điện đến vài tiếng đồng hồ, thức ăn sẽ có dấu hiệu hư hỏng
Trên thực tế, nếu bị mất điện thì với tủ lạnh đóng kín, thực phẩm sẽ duy trì tình trạng đông lạnh ít nhất một ngày, thậm chí có thể 2 - 3 ngày, tùy thuộc vào khả năng cách nhiệt.
Trường hợp tủ lạnh có dung tích tầm 110 lít, thực phẩm sẽ được bảo quản trong 3 ngày, kéo dài đến 5 ngày nếu dung tích lớn hơn từ 3 - 9 lần. Đặc biệt, trong tình trạng cực lạnh hoặc được bảo quản trong tủ đông, thực phẩm có thể "sống sót" đến 7 - 8 ngày.
Tuy nhiên, khi lấy thực phẩm đã hoàn toàn rã đông hoặc tan lạnh để sử dụng, người dân cần lưu ý những điều sau để sử dụng an toàn cho sức khỏe. Đối với thực phẩm chế biến sẵn đông lạnh không được tái đông trở lại. Nếu chúng đã hết lạnh hay có mùi vị bất thường thì người dân bỏ ngay.
Rau củ hết lạnh, vi khuẩn trong đó sẽ phát triển nhanh chóng và nảy sinh tình trạng hư trước khi có mùi lạ. Nếu rau vẫn còn tinh thể đá bám quanh thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục tái đông, nhưng chất lượng của rau sẽ bị giảm đi.
Thịt (lợn, bò, gia cầm) nếu có mùi bất thường hoặc nhiệt độ tủ lạnh vượt quá 4 - 50 độ C trong 2 giờ hoặc hơn thì không nên sử dụng nữa, vì thịt ôi thiu khá nguy hiểm với sức khỏe con người.
Ngoài ra, các bà nội trợ cũng nên tránh việc "tống" hết một lượng thực phẩm tươi sống lẫn lộn trong tủ lạnh. Bởi việc phân loại thực phẩm trước khi đưa vào tủ lạnh sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những thực phẩm cần thiết và tránh lẫn lộn mùi vị, bảo đảm ATTP hơn.
Mỗi loại đồ ăn sẽ có thời gian và cách thức bảo quản hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh việc đảm bảo đúng nhiệt độ cho từng loại thực phẩm, các gia đình cũng nên hạn chế tích trữ thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tươi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
So với thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm khô lâu nay vẫn luôn là sự lựa chọn của nhiều gia đình trong những ngày mưa bão. Bởi chúng vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon lại gọn nhẹ, dễ chế biến sử dụng.
Tuy nhiên, khi bảo quản thức ăn khô, người dân cần lưu ý cất ở nơi khô ráo, tránh côn trùng xâm nhập như vậy sẽ bảo quản thực phẩm khô được lâu và không bị mốc, không bị côn trùng cắn. Đây là những lưu ý cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo cho sức khỏe của gia đình.