Huế sẽ có Bảo tàng nghệ thuật thêu đầu tiên
Từ trước đến nay, phụ nữ xứ Huế vốn nổi tiếng với nghề thêu thùa, may vá. Không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội, nghệ nhân thêu nơi đây còn nâng nghề thủ công truyền thống thành một nghệ thuật, phục vụ chốn cung đình thời triều Nguyễn với kỹ thuật thêu đỉnh cao, phong phú về mẫu mã, sáng tạo trong bố cục mảng màu.
Các tác phẩm thêu của nghệ nhân đất cố đô đã đạt đến trình độ tinh hoa nghề nghiệp, nhiều sản phẩm của họ đang được lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật cung đình Huế, mang giá trị nghệ thuật cao và là những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc nổi tiếng như bức thêu "Thất sư hý cầu" (bảy con rồng vờn một quả cầu) của cố nghệ nhân Lê Văn Hỡi, bức thêu bộ kinh "Kim Cương" của cố ni sư Diệu Tâm, bức thêu "Ðêm trăng Vỹ Dạ" của cố nghệ nhân Lê Thị Bích Ðàn...
Tác phẩm của các nghệ nhân tài hoa xứ Huế còn được nhiều nhà nghiên cứu, yêu nghệ thuật sưu tập, trưng bày trong các không gian triển lãm, bảo tàng tư nhân với các bộ tranh phong cảnh, chân dung các danh nhân, thư pháp, trướng liễn, kinh phật, hoàng bào, xiêm y… Tuy nhiên, để trưng bày một cách bài bản, giới thiệu đầy đủ nhất về lịch sử hình thành và phát triển của nghề thêu trong cả nước, cũng như của riêng xứ Huế thì tại Huế chưa có một bảo tàng đúng nghĩa.
Nhận thức được điều này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định giao Công ty XQ Việt Nam xây dựng phương án và triển khai thực hiện Bảo tàng Nghề thêu truyền thống Huế. Bảo tàng Nghề thêu truyền thống Huế được triển khai trên cơ sở Trung tâm Xúc tiến du lịch và Hỗ trợ du khách tại số 1 phố Phạm Hồng Thái, TP Huế, trên diện tích hơn 900 m2, phối hợp không gian xanh của Bảo tàng Văn hóa Huế.
Vào ngày khai trương 27/4, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ quy tụ trưng bày gần 400 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu gồm các thể loại chính: tranh thêu, tranh thêu 2 mặt, điêu khắc chỉ và các hiện vật liên quan đến nghề thêu.
Nội dung trưng bày được thể hiện qua 3 chủ đề chính bao gồm: Cơ thể nghề thêu; Gương mặt nghề thêu; Một tiếng nói cho nghề thêu… được thể hiện qua 64 tác phẩm tranh hai mặt, 13 tác phẩm tĩnh vật, 25 tác phẩm phong cảnh, 94 tác phẩm quê hương, 42 tác phẩm chân dung, 126 tác phẩm các loài hoa, 15 tác phẩm triết lý, hơn 50 tác phẩm điêu khắc chỉ.
Dự kiến, chương trình lễ khai trương sẽ có các hoạt động như: nghi lễ “Rước nước sông Hương về Đền hơi thở tổ tiên”, chương trình “Gánh hàng rong của mẹ bên dòng sông Hương”...
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi tranh thêu lụa Việt Nam vươn đến đỉnh cao nghệ thuật cũng là lúc nghệ nhân Võ Văn Quân và Hoàng Lệ Xuân đã vạch một hướng đi mới cho ngành nghề bằng cách kết hợp các đặc điểm của nghệ thuật hội họa, với những tinh hoa của kỹ thuật thêu cổ truyền mà chị Hoàng Lệ Xuân – xuất thân từ một gia đình gốc Huế thừa hưởng và sáng tạo. Đó cũng là tiền đề cho Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ ngày nay.