Hướng dẫn mua sắm, thanh - quyết toán chi phí thuốc kháng HIV từ quỹ BHYT
Ngày 2/12/2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2020/TT-BYT quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT (sau đây gọi tắt là Thông tư số 22). Văn bản này đã có hiệu lực từ ngày 20/1/2021.
Để có cơ sở tổ chức thực hiện, sau khi có ý kiến của Bộ Y tế góp ý dự thảo hướng dẫn thực hiện Thông tư số 22, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh), Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến (Trung tâm Giám định) nghiên cứu, tổ chức, triển khai thực hiện Thông tư số 22 và hướng dẫn một số nội dung cụ thể.
Về cấp, tạm ứng kinh phí mua thuốc kháng HIV
Sau khi ký kết hợp đồng cung ứng thuốc kháng HIV hoặc hợp đồng mua bổ sung thuốc kháng HIV với nhà thầu, Trung tâm Giám định (đơn vị được BHXH Việt Nam giao ký hợp đồng với nhà thầu) có trách nhiệm gửi bản sao Hợp đồng kèm theo toàn bộ phụ lục của từng tỉnh, hợp đồng mua bổ sung thuốc kháng HIV (nếu có) cho BHXH Việt Nam (Vụ Tài chính - Kế toán), BHXH các tỉnh.
Hằng quý, Trung tâm Giám định lập Giấy đề nghị tạm ứng kinh phí mua thuốc kháng HIV gửi Vụ Tài chính Kế toán làm cơ sở cấp ứng kinh phí mua thuốc kháng HIV. Mức đề nghị tạm ứng bằng 80% giá trị thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT (bao gồm chi phí thuốc kháng HIV thuộc trách nhiệm chi trả của quỹ BHYT và phần cùng chi trả thuốc kháng HIV thuộc trách nhiệm chi trả của người bệnh có thẻ BHYT) theo kế hoạch tiếp nhận thuốc của các cơ sở y tế và báo cáo tổng hợp số lượng thuốc kháng HIV nhà thầu đã cung ứng cho các cơ sở y tế của quý đầu tiên.
Bệnh nhân điều trị thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT |
Từ quý thứ hai trở đi, tạm ứng bằng 80% chi phí thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT người bệnh đã sử dụng của quý trước liền kề.
Sau thời điểm hết hiệu lực cung ứng thuốc quy định tại thỏa thuận khung và hợp đồng cung ứng thuốc, chỉ thực hiện việc thanh toán chi phí thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT người bệnh đã sử dụng của quý trước theo hướng dẫn tại Công văn này.
Sau khi nhận được kinh phí do BHXH Việt Nam cấp, Trung tâm Giám định có trách nhiệm chuyển tiền tạm ứng mua thuốc kháng HIV cho nhà thầu theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Thông tư số 22.
Về thanh toán, quyết toán kinh phí mua thuốc kháng HIV với nhà thầu
Hằng quý, căn cứ vào quyết toán chi phí thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT người bệnh đã sử dụng của quý trước liền kề (bao gồm chi phí thuốc kháng HIV thuộc trách nhiệm chi trả của quỹ BHYT và phần cùng chi trả thuốc kháng HIV thuộc trách nhiệm chi trả của người bệnh có thẻ BHYT), Trung tâm Giám định lập Giấy đề nghị thanh toán chi phí thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT sau khi trừ đi chi phí đã tạm ứng cho nhà thầu của quý đó. Trường hợp số đã tạm ứng lớn hơn số phải thanh toán thì thực hiện giảm trừ vào số tạm ứng của quý tiếp theo.
Trung tâm Giám định chịu trách nhiệm thanh lý hợp đồng cho nhà thầu sau khi số lượng thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT cung ứng cho các cơ sở y tế đã được người bệnh BHYT sử dụng hết. Sau khi nhận được kinh phí, Trung tâm Giám định có trách nhiệm thanh toán cho nhà thầu theo quy định.
Điều trị ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS |
Ngoài ra, văn bản cũng hướng dẫn giám định, thanh toán, quyết toán chi phí thuốc kháng HIV giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB BHYT; hạch toán kế toán đối với chi phí thuốc kháng HIV; cập nhật thay đổi số lượng thuốc trên Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Đối với các thuốc kháng HIV từ nguồn BHYT thuộc các hợp đồng cung ứng trước thời điểm Thông tư số 22 có hiệu lực, tiếp tục được sử dụng cho đến hết số lượng và thực hiện thanh - quyết toán theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Thông tư số 22.
BHXH các tỉnh, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện. Nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về BHXH Việt Nam để kịp thời hướng dẫn, giải quyết.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong năm 2020, đã phát hiện mới 13.000 người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, duy trì điều trị Methadone cho hơn 50.000 bệnh nhân; mở rộng điều trị PrEP cho hơn 13.000 khách hàng; điều trị ARV cho hơn 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS với chất lượng điều trị thuộc nhóm đầu thế giới…
Điều trị ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS. Do nguồn thuốc ARV viện trợ bị cắt giảm nhanh, nên từ năm 2019, điều trị ARV chuyển sang nguồn quỹ BHYT.