Hướng dẫn truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng smartphone
Cụ thể, ông Hoàng Thanh Vân tiết lộ, chỉ trong vòng ít ngày qua đã có 6 tập đoàn lớn đề nghị đưa sản phẩm thịt, trứng, sữa vào Việt Nam, chủ yếu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cần có biện pháp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, tiếp tục mở rộng các phiên chợ nông sản an toàn, giúp người dân nhận diện nguồn gốc sản phẩm.
Hướng dẫn truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng smartphone (ảnh Văn Thắng).
Ông cũng cho biết rằng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được chọn làm điểm về quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản bằng công nghệ số.
“Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi đầu trong nhận diện nguồn gốc thực phẩm. Do đó, T.Ư sẽ tiếp tục xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai điểm mẫu quản lý ATTP bằng ứng dụng công nghệ số” - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho hay.
Ông Hoàng Thanh Vân đánh giá cao hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, giữa Hà Nội và các tỉnh, TP có sự phối hợp trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nông nghiệp. Cụ thể, đã có sự phối hợp trong việc cung cấp và thu thập thông tin về sản phẩm vùng miền, cơ sở sản xuất, DN tiềm năng của Hà Nội và 62 tỉnh, TP. Từ đó phục vụ tốt cho công tác tư vấn hỗ trợ cơ sở sản xuất và DN của Hà Nội và các tỉnh, thành kết nối giao thương.
Một trong những điểm sáng của chương trình hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh là lĩnh vực kết nối tiêu thụ sản phẩm. Qua các đoàn hợp tác, Hà Nội đã đưa được 53 lượt DN liên kết tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh, TP. Hiện các DN tham gia chương trình hợp tác của Hà Nội đã kết nối được với trên 70 cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu tại các tỉnh, thành, trong đó có trên 20 hợp đồng được ký kết với gần 200 chủng loại sản phẩm đưa về tiêu thụ trên các kênh phân phối của Hà Nội. Tiêu biểu như mật ong Thanh Xuân, chè Vĩnh Tân, miến dong ở Tuyên Quang; vú sữa Lò Rèn, bưởi Nam Roi, gạo chất lượng Vĩnh Long; thanh long Tiền Giang; dừa Xiêm, bưởi da xanh Bến Tre...
Ký kết hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp (ảnh Văn Thắng)
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, trước đây, nhiều nông sản hàng hóa của tỉnh ra miền Bắc tiêu thụ không được nhận diện rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ chương trình hợp tác với Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian gần đây, hàng hóa nông sản Vĩnh Long đưa ra Hà Nội nhiều hơn và đúng chất lượng. Đại diện các tỉnh Sơn La, Nam Định cũng bày tỏ vui mừng khi nông sản an toàn của địa phương tiếp cận thị trường Thủ đô ngày một nhiều hơn.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các đơn vị, DN của Hà Nội và các tỉnh, TP.
Thúy Hương