Hướng đến sản xuất và tiêu dùng xanh, phát triển kinh tế bền vững
Thế giới chuộng tiêu dùng "xanh", Việt Nam bứt phá với chuỗi BĐS sinh thái thông minh Sunshine Homes Tiêu dùng xanh: Giảm thiệu tác hại của rác thải nhựa |
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cho biết, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, tiêu dùng xanh đang được nhắc đến rất nhiều khi mà việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe được người dân hết sức chú trọng.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, có khá nhiều văn bản thể hiện Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999); các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999)...
"Đặc biệt, Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi Trường Trương Mạnh Tiến phát biểu mở đầu hội thảo |
Hội thảo "Tiêu dùng xanh - Phát triển bền vững, hướng tới Net Zero 2050" là nơi để các chuyên gia, khách mời trao đổi về nhiều nội dung, như: Ngành sản xuất tiêu dùng chuyển mình theo hướng xanh: Thực trạng và giải pháp bắt buộc; Tiêu dùng xanh nhìn từ các chính sách, quy định hiện hành tại Việt Nam; Tiêu dùng xanh để hướng đến Net Zero 2050; Tiêu dùng xanh, xu hướng tất yếu trên thế giới; Xây dựng chuỗi giá trị xanh phi phát thải như là cốt lõi của mô hình kinh doanh bền vững… từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển ngành này tại Việt Nam.
Phát biểu tham luận, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, chúng ta cần nhiều hơn bài viết tuyên truyền, nhiều hơn các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn để mọi người dân đều biết, đều hiểu và tích cực tham gia tiêu dùng xanh.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng nhấn mạnh vai trò của các tổ chức, cơ quan Nhà nước; các cơ quan và các nhà khoa học; của người sản xuất và người tiêu dùng đóng góp rất quan trọng trong khuyến khích và đảm bảo tiêu thụ xanh, cần phải nghiên cứu để phát huy những vai trò này.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu tham luận |
Còn theo Luật sư Trương Anh Tú, Phó trưởng VPĐD Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tại khu vực phía Nam, việc hiện thực hoá tiêu dùng xanh, áp dụng vào thực tiễn đời sống còn đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, hai thách thức lớn nhất đối với tiêu dùng xanh là vấn đề giá sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và thói quen tiêu dùng.
Lý giải, Luật sư Trương Anh Tú cho biết, hiện tại các sản phẩm tiêu dùng xanh trên thị trường giá cao hơn các sản phẩm khác từ 20 - 40%; cùng với đó, người tiêu dùng Việt Nam đã quen với những sản phẩm, hàng hoá mang tính nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm và có thể sử dụng được lâu dài, sử dụng nhiều lần như túi nilon, chai nhựa (plastic) thay vì các sản phẩm có công dụng tương tự như lá, giấy, tre nứa, các sản phẩm từ gỗ…
Luật sư Trương Anh Tú, Phó trưởng VPĐD Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nêu lên các khó khăn trong việc phát triển tiêu dùng xanh tại Việt Nam |
Nếu giải pháp, theo Luật sư Trương Anh Tú, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng; đồng thời, huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh...
Cùng với đó, Việt nam cũng cần xây dựng, hoàn thiện và áp dụng nghiêm túc, triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường.