Tín dụng xanh: Động lực bền vững trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Kết nối tín dụng xanh: “Đòn bẩy” để phát triển khu công nghiệp xanh Tín dụng xanh sẽ trở thành “chìa khóa” mở ra tương lai xanh Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu xanh, tín dụng xanh |
Đó là chia sẻ của bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo “Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh” chiều nay (9/5) tại thành phố Đà Nẵng.
Đẩy mạnh hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh
Theo bà Hà Thu Giang, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, vai trò định hướng, kiến tạo của Chính phủ thông qua việc hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, trong điều kiện thị trường trái phiếu xanh và thị trường các-bon mới phát triển, đang hình thành, nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động mang lại lợi ích môi trường, phát triển các mô hình sản xuất bền vững, góp phần xanh hóa nền kinh tế.
Về phía ngành Ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai kịp thời, đồng bộ để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh. Một trong những định hướng quan trọng là điều hành chính sách tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng mục tiêu, yêu cầu và xây dựng các giải pháp thúc thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon tại các Đề án, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng.
![]() |
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội thảo “Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh” |
Song song với các mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tín dụng thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Để cụ thể hóa các chính sách này, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến cấp tín dụng theo hướng đồng bộ, thống nhất và phù hợp với xu thế phát triển bền vững.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh hướng dẫn các tổ chức tín dụng xác định, thống kê hoạt động cấp tín dụng cho 12 lĩnh vực xanh và chỉ đạo tập trung vốn cho các ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiêu dùng bền vững, nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu. Năm 2024, một điểm nhấn là Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tích cực tham gia các diễn đàn tài chính quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực, thúc đẩy tín dụng xanh và nâng cao vị thế Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng toàn cầu.
Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho tăng trưởng xanh
Theo bà Hà Thu Giang, các giải pháp trên đã tạo ra chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Đến 31/3/2025 đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng xanh có phát triển cả về số lượng tổ chức tín dụng tham gia cho vay, quy mô và tốc độ tăng trưởng. Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia cho vay xanh vào năm 2017 với dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180 nghìn tỷ, đến 31/12/2024, đã có 48 tổ chức tín dụng cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017 - 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng tăng gần 1% so với cuối năm 2024 với số món được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt gần 1,3 triệu món.
Tuy tốc độ và tỷ lệ cho vay tín dụng xanh cải thiện rõ nhưng quá trình triển khai vẫn còn không ít rào cản. Bà Giang cho biết, đến nay Danh mục phân loại xanh quốc gia vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn trong việc xác định, thống kê, giám sát tín dụng xanh. Các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh còn đang trong quá trình hoàn thiện.
Trong khi huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án/lĩnh vực xanh trong nước và thị trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tình hình bất ổn về kinh tế - chính trị ảnh, lãi suất vay bằng USD thời gian qua được duy trì ở mức cao, rủi ro tỷ giá, chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng với thời gian hoàn vốn của các dự án.
![]() |
Quang cảnh Hội thảo “Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh” |
Ngoài ra nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về lợi ích dài hạn, tầm quan trọng của thị trường tài chính xanh chưa đồng đều, dẫn đến mức độ quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm huy động, sản phẩm tín dụng tài chính xanh chưa cao, tâm lý e ngại khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ ngân hàng mới. Hệ thống dữ liệu về môi trường còn phân tán, khó khai thác và chưa hỗ trợ hiệu quả cho công tác thẩm định, giám sát rủi ro.
Trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, và các nhiệm vụ được giao về tăng trưởng xanh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
Trọng tâm giải pháp của Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát để khai thác các động lực tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng xanh, hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên.
Bà Giang cho biết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, trong đó đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn…
Theo bà Giang để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự phối, kết hợp từ các Bộ, ngành. Trước hết là hoàn thiện động bộ cơ chế, chính sách về đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh…
Cùng với đó xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế, tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các quỹ tài chính để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.
“Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và cộng đồng thì tín dụng xanh mới thực sự trở thành động lực bền vững trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hàng trăm nghìn nông dân trồng dừa lo lắng khi áp thuế nước ngọt

Giãn lộ trình, giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu

TP Hồ Chí Minh: Giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ

Đội sửa chữa điện nóng Hotline - những chiến binh thầm lặng của EVNHANOI

Kiện toàn bộ máy quản lý Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Không loại trừ giá vàng tăng do đầu cơ, thổi giá, trục lợi

Bình Thuận: Xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 290,7 triệu USD

Quảng Trị: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc đầu tư công
