Hướng tiếp cận mang lại cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ mầm non
Hội thảo trực tuyến "Từ quan sát trẻ theo quá trình đến gỡ bỏ các rào cản học tập: Hướng tiếp cận mang lại cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ mầm non" có sự tham dự của Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, các đại biểu đến từ Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT và nhiều chuyên gia giáo dục đến từ các tổ chức trong và ngoài nước. |
Hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của ông Paul Jansen, Đại sứ vương quốc Bỉ tại Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Karolina Rutkowska, Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB Việt Nam; và nhiều chuyên gia giáo dục đến từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, VVOB và các đơn vị thực hiện dự án, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục mầm non (GDMN) đã chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về mô hình thực tiễn hay, tác động và kết quả đạt được cũng như thảo luận về tính phù hợp và việc tiếp tục nhân rộng các mô hình của dự án BAMI trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng GDMN cho Việt Nam.
Từ năm 2017 đến năm 2021, với sự hợp tác chặt chẽ từ các đối tác quốc tế, đối tác trung ương và địa phương và các ban ngành liên quan, VVOB đã triển khai thành công Dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (BAMI) do chính phủ Bỉ tài trợ. Dự án được thực hiện tại địa bàn ba tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.
Dự án tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng GDĐT, hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường tại các cơ sở giáo dục mầm non nhằm giải quyết các rào cản về giới, ngôn ngữ và môi trường. VVOB triển khai dự án với nhiều hoạt động đa dạng, như tổ chức tập huấn cùng chuyên gia VVOB, Trao đổi kinh nghiệm giữa các trường, hỗ trợ phát triển chuyên môn, khai vấn, thu hoạch các câu chuyện thay đổi có ý nghĩa, triển khai nhân rộng các phương pháp tiếp cận mang tính đổi mới, sáng tạo tới địa phương...
Hội thảo tổng kết các hoạt động quan trọng mà dự án đã đóng góp cho quá trình phát triển GDMN |
Sau 5 năm thực hiện, dự án BAMI đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại nhiều thay đổi có ý nghĩa cho cán bộ quản lý cấp sở phòng, cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non, đặc biệt là những thay đổi tích cực ở trẻ mầm non tại những địa phương tham gia. Cụ thể:
Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho gần 3.000 giáo viên mầm mon và 500 cán bộ quản lý thuộc 18 huyện của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia từ VVOB.
196 trường mầm non với gần 43.000 trẻ mầm non (trong đó 64% là trẻ dân tộc thiểu số) được tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến, góp phần đẩy mạnh việc “lấy trẻ làm trung tâm” và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh.
Bộ tài liệu Quan sát trẻ theo quá trình và Học thông qua chơi có đáp ứng giới do VVOB biên soạn được Bộ Giáo dục thẩm định để được phép sử dụng trên phạm vi cả nước. Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục Mầm non, phương pháp tiếp cận Quan sát trẻ theo quá trình (POM) cũng đã được mở rộng đến sáu tỉnh khác ngoài dự án BAMI, được các trường đại học giáo dục và cao đẳng đào tạo có uy tín lựa chọn để đưa vào chương trình đào tạo mầm non.
Bà Karolina Rutkowska, Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB Việt Nam phát biểu tại Hội thảo: “Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng học tập cho tất cả trẻ em 3-5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non bằng cách tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên, dự án BAMI được triển khai với hai trọng tâm chính. Thứ nhất, nâng cao năng lực quan sát trẻ theo quá trình cho giáo viên, từ đó thấu hiểu về mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong lớp học. Nhận thức được sự khác nhau trong hành vi và sự tham gia của mỗi đứa trẻ sẽ giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp tiếp cận phù hợp cho từng cá nhân trong lớp.
Thứ hai, từ việc quan sát trẻ, giáo viên cũng đồng thời được nâng cao khả năng phát hiện những rào cản trong giáo dục tại địa phương, có thể là rào cản về giới, ngôn ngữ hay sự đa dạng về mặt văn hoá. Từ đó giáo viên chủ động trong việc tháo gỡ rào cản, đảm bảo tất cả trẻ đều được tiếp cận và tham gia sâu trong việc học tập”.
Cô Đinh Thị Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Mầm non Thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum cho biết nhờ được tập huấn cùng chuyên gia VVOB mà trường đã có những sáng kiến trong công tác dạy học như việc triển khai các hoạt động trải nghiệm thực tế sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ cho trẻ đồng bào để tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
“Những thay đổi tích cực từ dự án BAMI đã tạo động lực cho các giáo viên tại trường tiếp tục suy ngẫm và thử áp dụng các phương pháp, kỹ thuật khác trong việc xây dựng một môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Quá trình học tập - trải nghiệm - suy ngẫm - điều chỉnh của đội ngũ giáo viên được diễn ra liên tục cho phép giáo viên có những thay đổi, điều chỉnh trong phương pháp dạy và tổ chức các tiết học theo hướng mang lại hứng thú hơn cho trẻ. Điều này đã từng bước xóa bỏ rào cản ngôn ngữ - vốn khiến cho trẻ em đồng bào gặp nhiều khó khăn khi đến trường”, cô Hạnh chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại sự kiện |
Tham gia trong phiên tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá cao nỗ lực của VVOB & những kết quả khả quan dự án mang lại: “Từ sau năm 2020, chương trình giáo dục mầm non mới của Việt Nam sẽ có rất nhiều điểm thay đổi và đổi mới, trong đó hướng đến ba mục tiêu quan trọng gồm: chương trình giáo dục mầm non đề cao tính tự chủ của nhà trường, cán bộ quản lý và giáo viên trong quá trình giảng dạy; nhà trường được phép phát triển chương trình học sao cho phù hợp với trẻ và với đặc thù địa phương, đồng thời đảm bảo phù hợp với khả năng học tập của trẻ chương trình giáo dục mầm non theo hướng tích hợp, toàn diện và lấy trẻ làm trung tâm, quan tâm tới trẻ em có nhu cầu đặc biệt, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Quan sát trẻ theo quá trình là một phương pháp tuyệt vời mà VVOB đã cống hiến cho ngành giáo dục Việt Nam. Mô hình và phương pháp này sẽ còn được nhân rộng tại tất cả các trường mầm non trên toàn quốc.
Cũng tại phiên tham luận tại Hội Thảo, các chuyên gia giáo dục đến từ các tổ chức quốc tế nhấn mạnh thêm về việc áp dụng các phương pháp tiếp cận giáo dục đã được chứng minh là thành công ở môi trường quốc tế tại Việt Nam thông qua dự án BAMI.
Bà Kristen Schraeyen, trường đại học Thomas More chia sẻ thêm về những nét tương đồng trong giáo dục mầm non tại Bỉ và Việt Nam |
Bà Kirsten Schraeyen, trường đại học Thomas More, chia sẻ: “Việt Nam và Bỉ đều có đa dạng các cộng đồng khác nhau (dùng ngôn ngữ khác nhau), ở Bỉ là 3 cộng đồng riêng lẻ gồm: cộng đồng nói tiếng Hà Lan, cộng đồng nói tiếng Pháp và cộng đồng nói tiếng Đức. Mỗi cộng đồng này đều có tiêu chuẩn tối thiểu để cấp bằng tốt nghiệp như nhau, nhưng lại có thể khác nhau về độ tuổi đi học và tốt nghiệp (do họ có cơ quan quản lý giáo dục riêng). Trẻ em ở cộng đồng nào thì khi đi học sẽ dùng tiếng của cộng đồng đó trong nhà trường. Riêng ở thủ đô Brussel thì kết hợp cả tiếng Pháp và tiếng Hà Lan.
Tuy nhiên về cơ bản, các trường học ở Bỉ là trường học đơn ngữ (tức là chỉ dùng 1 ngôn ngữ chính) - điều này giống với các trường ở Việt Nam. Chính điểm này tạo ra thách thức giống nhau ở cả Bỉ và Việt Nam khi trẻ có thể dùng 1 ngôn ngữ khác ở nhà và cần phải học một ngôn ngữ khác khi đến trường. Ở Bỉ còn phải đối mặt với việc người nước ngoài đến Bỉ hoặc trẻ em tị nạn đến Bỉ nhưng không biết tiếng và Chính phủ sẽ có những chương trình hỗ trợ những đối tượng này.
Từ tháng 9/2021 thì trẻ em ở Bỉ sẽ phải trải qua 1 kỳ sàng lọc ở lớp cuối của mầm non để xem các em có đủ điều kiện về kỹ năng ngôn ngữ trước khi vào lớp 1 không. Nếu không, các em sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các chương trình hỗ trợ tích hợp - điều này ở Việt Nam chưa có. Đối với việc dạy ngôn ngữ cho trẻ, thì ở Bỉ có tài liệu hướng dẫn rất chi tiết dựa trên các nghiên cứu quốc tế, phương pháp họ sử dụng là "Effective School Language Trajectory" - nét tương đồng với phương pháp mà VVOB đang sử dụng. Phương pháp này cũng dựa trên việc tiếp cận đến tất cả các học sinh trong lớp như quan sát trẻ theo quá trình và sau đó là có giải pháp cho từng trẻ, có kết hợp ngôn ngữ nói như việc sử dụng song ngữ để dạy tiếng Việt tại Việt Nam”.
“Trên nền tảng vững chắc do chương trình BAMI đặt ra, chương trình 5 năm tiếp theo mang tên TALK của chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng phương pháp quan sát của trẻ và sự suy ngẫm của giáo viên với ứng dụng tập trung vào việc tạo ra môi trường học tập phong phú về ngôn ngữ và giảng dạy phân hoá để hỗ trợ cho trẻ em một cách tốt nhất. Hỗ trợ các cấp lãnh đạo của hệ thống giáo trong công tác phát triển năng lực giáo viên dựa trên nhu cầu, đặc biệt chú trọng đến việc tiếp cận giáo viên ở các lớp điểm lẻ.
Cũng như ở BAMI, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu để cung cấp cơ sở bằng chứng về hiệu quả của các phương pháp tiếp cận đổi mới và hỗ trợ việc phổ biến rộng rãi các phương pháp này”, bà Karolina Rutkowska phát biểu tổng kết Hội thảo về các dự án tiếp theo của VVOB ở Việt Nam.