Hút khách du lịch Hà Nội bằng sản phẩm làng nghề truyền thống
Hà Nội có thêm 2 khu du lịch cấp thành phố Lý giải sức hấp dẫn của mùa Thu Hà Nội Ấn tượng đêm khai mạc Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 |
Du khách có thể nêu ý kiến, đưa giải pháp để giúp hình ảnh về một Thủ đô Hà Nội thân thiện, mến khách, nhiều tiềm năng du lịch, trong đó có du lịch làng nghề và trải nghiệm các đặc sản nghề truyền thống Hà Nội; qua đó, góp sức quảng bá, phát triển nghề truyền thống Hà Nội, thêm sức lan tỏa và vươn tầm quốc tế.
Quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch
Vừa từ Đà Nẵng ra Hà Nội du lịch cùng gia đình, chị Nguyễn Thanh Thảo chia sẻ, gia đình chị sắp xếp đi du lịch vài ngày trong dịp Hà Nội kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô để thăm ông bà và cũng là thưởng thức tiết trời Thu Hà Nội sau nhiều năm xa Thủ đô.
Chị Thảo cho biết, chị đã thăm quan nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh của Hà Nội và nay đến quận Bắc Từ Liêm dạo quanh mua sắm tại Hội chợ Xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa.
"Tại đây chúng tôi vừa được thưởng thức các màn văn nghệ, trình diễn đàn dân tộc, áo dài truyền thống… vừa được mua sắm các đặc sản vùng miền với giá cả hợp lý và chất lượng an toàn. Đặc biệt là các con của tôi, chúng hào hứng chụp ảnh checkin khoe bạn bè và nhận được tương tác rất lớn", chị Thảo vui vẻ chia sẻ.
Theo Sở Công thương TP Hà Nội, trong nửa đầu năm, TP đã triển khai hiệu quả các Chương trình phát triển sản phẩm làng nghề gắn với bảo tồn và phát triển du lịch; Kế hoạch phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP... và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Việc phát triển du lịch làng nghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của TP Hà Nội hiện nay.
Xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) khẳng định vị trí ẩm thực Thủ đô |
Theo đó, các Sở, ngành, thành phố thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội; triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các huyện, thị xã thuộc thành phố và các địa phương trong cả nước để cùng phối hợp nâng cao chất lượng, kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo ra các sản phẩm tour du lịch chất lượng…
Các Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã sẽ giúp nâng cao năng lực trong hoạt động thiết kế sáng tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch.
Trong những tháng cuối năm 2024, TP Hà Nội tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động như tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Hà Nội năm 2024 (Hanoi Giftshow 2024); Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024; triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng TCMN mới, sáng tạo năm 2024; Triển lãm chuyên đề tại: “Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP ngành TCMN Thủ đô”; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế hàng TCMN, đồ gỗ và hàng quà tặng Việt Nam (Hội chợ Lifestyle 2024) tại TP Hồ Chí Minh; Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành TCMN giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…
Những người trẻ góp phần quảng bá du lịch làng nghề
Du lịch làng nghề đang trở thành xu hướng mới. Nắm bắt cơ hội, người trẻ Hà Nội quyết tâm làm “sống dậy” làng nghề thủ công truyền thống, quảng bá hình ảnh làng nghề, duy trì sức sống của nghề truyền thống trong đời sống hằng ngày bằng nhiều mô hình, cách làm hay.
Với tình yêu nghề, tài năng của tuổi trẻ, Nguyễn Tấn Phát (SN 1983) được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề khảm trai, sơn mài năm 2017.
Từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nhưng chàng trai trẻ lại về quê để khởi nghiệp. Phát huy lợi thế sẵn có của làng cổ Đường Lâm, Nguyễn Tấn Phát xây dựng mô hình Phát Studio, nơi trưng bày sản phẩm khảm trai, sơn mài trên nền gỗ.
Từ góc nhìn của người học thiết kế cùng với cái nôi thừa hưởng từ bố và ông nội là những thợ điêu khắc đình chùa, miếu mạo nên các sản phẩm khảm trai, sơn mài do anh tạo ra có hình thù riêng. Nổi bật là tác phẩm “Cổng di sản Thăng Long” đạt giải “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022” là một bộ sản phẩm quà tặng riêng của Hà Nội.
Hơn 10 năm qua, Nguyễn Tấn Phát còn được biết đến là người thầy truyền nghề mỹ thuật truyền thống miễn phí cho các em nhỏ và du khách quốc tế. Thông qua chương trình “Chuỗi ngày hoạt động yêu thương” tổ chức định kỳ hàng năm vào mỗi dịp nghỉ hè, hàng nghìn em nhỏ được tham gia hoạt động làm tranh in khắc gỗ, khách du lịch được hướng dẫn hoàn thành tác phẩm tranh khắc gỗ sơn mài.
Để níu chân du khách ở làng mình, làng cổ Đường Lâm - làng cổ “độc nhất vô nhị” vùng đồng bằng Bắc Bộ, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát tổ chức hoạt động cộng đồng, những không gian sáng tạo để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Ngôi nhà OCOP Mông Phụ hay còn gọi là “Nghề làng” là địa chỉ tổ chức “Lớp truyền nghề mỹ thuật truyền thống miễn phí”.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát từng chia sẻ: “Trẻ học được nghề truyền thống sẽ giúp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc, góp phần mang văn hoá của Thủ đô đi xa”.
Từ khi nghề làm xôi Phú Thượng được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, anh Nguyễn Thế Hoàng (SN 1991) cũng như bao người dân khác trong làng vẫn tiếp tục miệt mài làm công việc của mình.
Điểm khác duy nhất so với trước đây mà anh Hoàng nhận thấy, đó là thỉnh thoảng có vị khách đùa vui: "Bán cho tôi gói xôi di sản!".
Anh Hoàng chia sẻ: “Trước đây người dân làng nghề xôi Phú Thượng sản xuất và hoạt động manh mún, không chú trọng xây dựng thương hiệu. Cứ 4 - 5h hằng ngày, mọi người sẽ tập hợp ở đầu làng rồi xe lam chở đi khắp 5 cửa ô, len lỏi quang gánh, thúng xôi đội đầu đi bán rong trên các con phố. Bây giờ, không ai bán xôi đi xe đạp nữa, đi xe máy là thấp nhất, còn nhiều người đi ô tô.
Những người con làng Gạ đã từng bước tạo dựng danh phận cho xôi của làng nghề. Thật tự hào khi xôi Phú Thượng đạt danh hiệu OCOP 4 sao, là món ăn phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, quảng bá ẩm thực quốc tế… và ngày nay trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể".
Những sản phẩm của làng nghề kim hoàn - đậu bạc Định Công hút khách nhờ sự tinh xảo và phù hợp xu thế |
Nghề kim hoàn - đậu bạc Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai) vừa được công nhận danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội. Nghệ nhân trẻ Quách Phan Tuấn Anh là một trong những người còn lưu giữ nghề truyền thống với gia đình 2 thế hệ hiện đang sống bằng nghề.
Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Hiện nay, nghề đậu bạc Định Công chỉ còn lại số ít người còn làm nghề, mặc dù vậy các sản phẩm đậu bạc của Định Công vẫn được khách hàng, cũng như các chuyên gia đánh giá rất cao cả về kỹ thuật và mỹ thuật; được sử dụng nhiều làm quà tặng cho các cơ quan Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan nhà nước khác...
Tuy nhiên, với việc công nhận nghề truyền thống Hà Nội, thời gian tới, các sản phẩm đậu bạc Định Công cần được quảng quảng bá bằng nhiều cách để thu hút khách hàng trong nước và quốc tế”.