Huyện Hoài Đức gặp khó khăn trong nâng cao tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất
Ngày 25/4, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức hội thảo "Nhịp cầu nhà nông".
Nhãn chín muộn của Hoài Đức đã được xuất khẩu sang Malaysia vào năm 2016.
Hơn 100 đại biểu tham dự là nông dân, chủ trang trại, DN trên địa bàn huyện Hoài Đức đã gửi gần 70 câu hỏi đến ban cố vấn hội thảo. Nội dung các câu hỏi chủ yếu xoay quanh lĩnh vực chăn nuôi – thú y và trồng trọt với những thắc mắc về cách phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đáng chú ý, nhiều nông dân đã bày tỏ băn khoăn khi hiện tại nước ta vẫn chưa tự chủ sản xuất được giống rau mà vẫn phải nhập khẩu.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của nông dân do họ không thể chắc chắn các loại giống này có đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hay không. Thậm chí còn gây thiệt hại nếu mua phải hạt giống rởm, kém chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Chung cho hay, do tác động của quá trình đô thị hóa nên hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của huyện đã thu hẹp còn 1.000ha đất vùng bãi. Do đó, huyện luôn trăn trở tìm giải pháp nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên 1 héc ta canh tác. Theo đó, Hoài Đức đã quy hoạch và ưu tiên đầu tư cho các vùng trồng rau an toàn và cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện đang trình Chính phủ phê duyệt công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, ông Chung cho biết thêm: "Thực tế địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong nâng cao chất lượng tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất. Vì vậy, huyện mong muốn TP, Sở NN&PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng liên kết chuỗi, kiên kết vùng và liên kết 4 nhà"