Đưa 4 huyện về đích Nông thôn mới nâng cao trong năm 2024
Ứng Hòa đón nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới Hà Nội đặt mục tiêu có 4 huyện NTM nâng cao năm 2024 Chưa thông qua 21 dự án phát triển Nông thôn mới nâng cao |
Sáng 2/4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị giao ban kết quả thực hiện trong quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2024.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị |
Huy động 75.755,8 tỷ đồng xây dựng Nông thôn mới
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" cho thấy: Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ năm 2021 đến quý I/2024 là 75.755,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2024, ngân sách TP còn ủy thác cho Ngân hàng chính sách 800 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy.
TP có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM; phấn đấu trong tháng 5/2024, có 4 huyện đạt chuẩn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 172 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt mục tiêu Chương trình 04 đến năm 2025) và 65 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (còn thiếu 15 xã so với mục tiêu Chương trình 04 đến năm 2025).
Hiện nay, Đoàn thẩm định NTM của TP đã tiến hành thẩm định thêm 10 xã NTM nâng cao và 3 xã NTM kiểu mẫu đủ điều kiện trình UBND TP công nhận. Năm 2024, các huyện, thị xã đăng ký công nhận 46 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng thêm 6 xã so kế hoạch TP giao và 39 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng thêm 4 xã so kế hoạch TP giao). Đối với chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu, TP còn thiếu 12 xã để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.
Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2021 đến nay, TP đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP (đạt 82,9%) và còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm.
Năm 2024, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, dự kiến đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP sẽ vượt mục tiêu Chương trình đề ra trước 1 năm. Lũy kế từ 2019 đến nay, TP Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm).
Về phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn, hết năm 2023, TP có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 278 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề và 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Trong 3 tháng đầu năm 2024, TP đã tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 Cụm Công nghiệp và nâng tổng số Cụm Công nghiệp đã được động thổ, khởi công lên 24/43 Cụm Công nghiệp.
Về nâng cao đời sống nông dân, tính chung quý I/2024, toàn TP giải quyết việc làm cho hơn 45,6 nghìn lao động (đạt 27,6% kế hoạch năm) và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý I/2024, TP ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 14.000 người với số tiền hỗ trợ 450,4tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 11,3 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 181 người với số tiền hơn 735 triệu đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,06%, trong đó có 6 huyện không còn hộ nghèo (Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì). Đáng chú ý, từ năm 2021 đến nay, có 8 quận thuộc TP đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí 830,8 tỷ đồng…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị |
Tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, trong quý I/2024, với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy và UBND TP tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành TP, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, đối với vấn đề huyện NTM nâng cao hiện nay chia thành 3 nhóm (nhóm huyện khó khăn, huyện đang bứt phá và nhóm huyện đã đăng ký xây dựng NTM nâng cao). Hiện nay có 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì) đã hoàn thành hồ sơ và đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ sẽ về đích huyện NTM nâng cao trong năm nay. Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở NN&PTNT cố gắng hoàn thiện các hồ sơ của 4 huyện này để báo cáo T.Ư.
Đối với nhóm huyện đang vươn lên xây dựng huyện NTM nâng cao, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, các huyện tập trung rà soát và cố gắng hoàn thiện ở cấp xã; đối với những vấn đề liên quan tiêu chí cấp huyện thì cần phối hợp với các cơ quan của TP để sớm hoàn thiện để trình Hội đồng thẩm định.
Đối với 46 xã đăng ký thực hiện NTM nâng cao, kiểu mẫu năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các ban HĐND TP rà soát lại để đề ra các biện pháp thúc đẩy quá trình thực hiện.
Đối với nhiệm vụ cấp TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, ngoài phấn đấu có 4 huyện đạt NTM nâng cao thì các Bộ tiêu chí liên quan đến sự hài lòng và tiêu chí khác các sở cần tham gia để hoàn thiện.
Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, Sở NN&PTNT theo sát và tham mưu cho TP có chính sách hỗ trợ cho người nông dân kịp thời để vụ Xuân năm nay được mùa và cố gắng không để xảy ra dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm.
Đối với vấn đề mỗi xã một sản phẩm OCOP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, đối với những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp các huyện cần rà soát lại để cùng các sở liên quan tập trung triển khai trong quý II/2024.
Với hoạt động của các HTX, trang trại, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cần tính toán, đánh giá lại để có đề xuất, quan tâm phát triển mô hình kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển ngành nghề tại khu vực nông thôn, nhất vấn đề đánh giá lại quy mô đầu tư hạ tầng phát triển các làng nghề để phát huy vai trò các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Song song với đó, có giải pháp nâng cao hơn đời sống của nông dân; quan tâm triển khai công tác đầu tư công trong xây dựng NTM.
Đối với công tác tổng kết các tiêu chí trong thực hiện Chương trình 04 nhiệm kỳ khóa XVII, đến hết năm 2023, TP có 13/34 tiêu chí đạt và dự kiến năm 2024 có 6-10 tiêu chí đạt. Đối với khoảng 10 tiêu chí chưa đạt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các Sở, ngành, huyện rà soát lại để tập trung thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra trong chương trình.