Huyện Thường Tín vinh dự đón Huân chương Lao động hạng Nhất
Gần 1.000 phụ nữ đồng diễn chào mừng 70 năm ngày giải phóng Chung khảo “Em yêu lịch sử Thường Tín” mừng Ngày Giải phóng Thủ đô |
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thường Tín (28/8/1954-28/8/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2) của huyện Thường Tín có sự hiện diện của các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; Bùi Huyền Mai, Uỷ viên Ban Thường vụ, Bí thư Quận uỷ Thanh Xuân; Phạm Thanh Mai, Thành uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Trần Đình Cảnh, Thành uỷ viên, Giám đốc sở Nội vụ; Phạm Hải Hoa, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố.
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất tới Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín |
Truyền thống cách mạng hào hùng
Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thường Tín, đồng chí Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín ôn lại lịch sử và truyền thống hào hùng của địa phương.
Theo đó, từ năm 1945, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thường Tín được thành lập. Ngay sau khi ra đời, Chi bộ đã nhanh chóng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong khi chính quyền mới còn non trẻ vừa phải giải quyết hậu quả của nạn đói, nạn lụt năm 1945, vừa phải ra sức củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, chống thù trong, giặc ngoài thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa.
Các đại biểu tham dư buổi Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng huyện Thường Tín (28/8/1954-28/8/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2) của huyện Thường Tín |
Thời điểm đó, Thường Tín được địch xác định là địa bàn thuận tiện cho việc vận chuyển, tiếp tế cơ động chiến lược, là vành đai bảo vệ cơ quan đầu não của chúng tại Hà Nội. Vì vậy, địch đã cơ động lực lượng, lập hệ thống đồn bốt, tề ngụy dày đặc với những tên tay sai đắc lực khét tiếng gian ác, càn quyét, khủng bố quyết liệt phong trào cách mạng ở huyện.
Ngày 19/12/1946, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thường Tín đã nêu cao tinh thần anh dũng, kiên trì xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, bố trí thế trận chiến tranh Nhân dân, phá tề, trừ gian, chống địch khủng bố, đẩy mạnh công tác binh vận, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh thắng địch nhiều trận vang dội.
Đồng chí Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, ôn lại lịch sử và truyền thống hào hùng của địa phương |
Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có 42 thanh niên tình nguyện của huyện trong đoàn quân Nam tiến, hơn 2000 thanh niên gia nhập Vệ quốc quân để xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân. Đây là lớp thanh niên đầu tiên của Thường Tín tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Thường Tín có 2.058 người con lên đường đánh giặc cứu nước, hàng vạn thanh niên tham gia dân quân, du kích bảo vệ xóm làng. Trong đó, 867 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, 116 thương binh; 1.458 gia đình cơ sở cách mạng đã kiên trung bảo vệ, nuôi giấu cán bộ; 1.020 cá nhân được Chính phủ tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến.
Đáng chú ý, xã Dũng Tiến và xã Nghiêm Xuyên được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”; Liệt sỹ Nguyễn Thị Tuyết xã Văn Tự được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Ngày 4/1/2002, huyện Thường Tín vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Diện mạo huyện Thường Tín đổi mới theo hướng đô thị hiện đại |
Sau chín năm kháng chiến trường kỳ và anh dũng của quân và dân ta, sau thất bại hoàn toàn trong cuộc quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ, Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Lực lượng địch cuối cùng ở bốt Tía, bốt chợ Cầu, bốt chùa Thông rút chạy hoàn toàn. Ngày 28/8/1954, Thường Tín hoàn toàn được giải phóng, đánh dấu một giai đoạn đấu tranh anh dũng, quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết keo sơn, tất cả vì quê hương trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Từ đây, quê hương Thường Tín sạch bóng quân xâm lược, nhiệm vụ cách mạng chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn cùng Nhân dân, lực lượng vũ trang cả nước bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đổi mới trên vùng đất khoa bảng, trăm nghề
Phát huy truyền thống anh dũng trong chiến đấu, cán bộ và Nhân dân huyện Thường Tín tiếp tục vượt qua các thử thách và đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp.
Với những thành tích trong chiến đấu và sản xuất, huyện Thường Tín vinh dự 2 lần được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất |
Cụ thể, trong 5 năm (từ năm 2019 đến năm 2023), tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện là 4.689 tỷ đồng (trong đó, bình quân mỗi năm tăng 937 tỷ đồng, năm 2023 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2019). Từ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 49,5 triệu đồng/người/năm đã tăng lên 70,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Thường Tín trong giai đoạn vừa qua là sự nở rộ của các cụm, điểm công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuật kinh doanh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Thường Tín phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Ngoài ra, huyện đầu tư về hạ tầng các khu dân cư, hạ tầng xã hội. Tính riêng năm 2023, huyện Thường Tín thực hiện 71 dự án chuyển tiếp với kế hoạch vốn giao trên 926 tỷ đồng; triển khai 81 dự án với tổng mức đầu tư trên 2.756 tỷ đồng. Các dự án đáng chú ý là khởi công Dự án đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc Huyện ủy - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ huyện; đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện; hoàn thiện công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020 với 28/28 xã được công nhận đạt. Tính đến nay, toàn huyện có 17/28 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (trong đó có 03 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu).
Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thường Tín luôn tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội, trọng tâm là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chính sách đối với người có công, công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm...
Kết quả, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao. 79/89 trường đạt chuẩn Quốc gia, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hiện tại, toàn huyện chỉ còn 0,03% hộ nghèo, không phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, hằng năm có trên 1.000 học sinh đỗ các trường cao đẳng, đại học.
Phần thưởng cao quý cho sự nỗ lực, sáng tạo
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín.
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu chức mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín |
Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những đóng góp to lớn và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín đã đạt được trong suốt 70 năm qua.
Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội của huyện Thường Tín phải tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa.
Khen thưởng tập thể có thành tích trong thi đua chào mừng 70 năm Giải phóng huyện Thường Tín |
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đề nghị huyện Thường Tín khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Đồng thời, huyện Thường Tín cần tập trung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân, xây dựng quê hương Thường Tín ngày càng giàu đẹp, văn minh.