Huyện Trảng Bom (Đồng Nai): Nhọc nhằn vì “quy hoạch”
Bắt tạm giam cán bộ phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom Bắt thêm 2 cán bộ huyện Trảng Bom |
Tan một giấc mơ
Cuộc sống khó khăn, năm 1992, ông Vịnh bỏ quê Nam Định dắt díu gia đình vào Nam sinh sống. Mất 2 năm làm đủ nghề, chắt chiu dành dụm, năm 1994 ông quyết định sang nhượng lại khu đất hơn 1.000m2 thuộc xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) để an cư. Lúc đó, cả khu vực này trống trải thưa thớt người ở.
“Không có nhiều tiền, con thì ngày một lớn nên cần có cái nhà để tụi nhỏ trưởng thành. Mặc dù nơi đây lúc đó cách xa khu dân cư nhưng phù hợp điều kiện nên tôi quyết định mua”, ông Vịnh nhớ lại.
Có đất, vợ chồng ông quyết tâm gây dựng cơ nghiệp, cất nhà với hy vọng sau này con lớn, đỡ khổ. Được một năm cày cuốc làm thuê, năm 1995, ông bà nhận được thông báo, cơ nghiệp nhọc nhằn, chăm chút, tạo dựng lên bằng mồ hôi của mình nằm trọn trong quy hoạch Khu công nghiệp (KCN) Sông Mây. Vậy là chỉ trong phút chốc, giấc mơ an cư tan biến.
“Lúc đó họ thông báo vậy, chẳng có giấy tờ hay quyết định gì hết. Họ gọi lên thông báo cho biết vậy là xong”, ông Vịnh chua xót kể.
Ông Vịnh bên máy lọc nước uống trong nhà nhưng được kê cao cả mét để tránh nước ngập |
Từ khi nhận được thông báo, vợ chồng ông chẳng còn ngày nào bình yên. Ông lo vì trong túi chẳng có tiền, giờ quy hoạch không biết lấy gì để tìm nơi ở mới; lo vì con cái đang tuổi ăn học, giờ nhà không có, phải chạy ăn từng bữa thì lấy gì cho tụi nhỏ đến trường; lo vì chẳng biết lúc nào nhà cửa không còn, rồi ở đâu, làm gì… giấc mơ tha hương lập nghiệp tan vỡ. Nhiều đêm nhìn 2 đứa con ôn thi mà buồn, vợ ông Vịnh chỉ biết rấm rứt khóc.
“Cuộc sống lúc đó trăm bề vất vả, lo toan… càng nghĩ càng thấy bế tắc nên vợ chồng tôi buông xuôi phó mặc, đến đâu thì đến”, ông Vịnh bồi hồi.
Cuộc sống khó khăn khiến ông bà chẳng còn thời gian để buồn. Còn bao nhiêu sức, ông bà lao vào cuộc mưu sinh làm thuê nhọc nhằn. Cuộc sống cứ vậy trôi, hai đứa con khi vào Nam còn là trẻ con, theo năm tháng giờ trưởng thành, đã cảm nhận được những mối lo của cha mẹ phía sau hai chữ quy hoạch nên cố gắng học, rồi thay cha mẹ cáng đáng chuyện nhà.
Hôm chúng tôi đến thăm, khu nhà tuềnh toàng, chắp vá, chỉ có ngôi nhà chính được dựng từ những ngày đầu lập nghiệp là còn tươm tất. Còn lại phải dựng tạm, dựng “chạy” sự kiểm tra của chính quyền địa phương, chẳng cái nào ăn nhập cái nào. “Tụi nhỏ giờ có gia đình hết rồi, 3 thế hệ sống chung với nhau trong ngôi nhà này. Nhiều lúc chật chội muốn cơi nới xây dựng thêm cho tụi nó ra riêng mà không được. Mới đó mà đã 28 năm…”, ông Vịnh nói.
Con đường nội bộ phía sau những ngôi nhà trong khu quy hoạch |
Vợ ông - bà Vũ Thị Nhung ngồi kế bên chỉ tay ra con suối cạn phía sau nhà: “Mùa mưa nước dâng ngập lênh láng, cộng thêm nước thải đủ màu, đủ mùi từ những nhà máy phía sau thải ra gây ô nhiễm nặng nề. Nhiều lần người dân phản ánh với chính quyền địa phương về thực trạng này nhưng chẳng ăn thua, có lẽ chỉ vì trong quy hoạch. Nhiều lúc vừa buồn, vừa tức, vừa tủi…”.
Để chứng minh, ông bà dẫn chúng tôi đi xem những bệ xi măng xây cao hơn mét để đồ tránh những cơn lũ dữ. Cũng theo lời bà, cách đây 5 năm, ông Vịnh lâm bệnh nan y nhưng không hiểu sao trời thương nên còn sống đến giờ. Một đứa con trai của ông bà cũng đang lâm vào căn bệnh giống cha. “Không biết có phải do ô nhiễm gây ra bệnh không nữa. 28 năm rồi chưa một ngày nghỉ ngơi, không biết đến bao giờ mới được bình yên mà sống…”, bà Nhung - vợ ông Vịnh bộc bạch.
Gian nan cuộc sống "7 không"
Đi dọc theo con đường 767, qua khỏi trụ sở Chi cục Hải quan Thống Nhất là ranh khu đất được quy hoạch làm KCN Sông Mây. Ranh đất kéo dài theo trục đường 767 gần 2km. Rất dễ để phân biệt khu đất được quy hoạch. Nếu như bên kia đường hàng quán sạch sẽ, tươm tất thì phía khu đất quy hoạch nhà cửa xập xệ, chắp vá, nhếch nhác.
Không biết từ bao giờ, người dân trong quy hoạch đã thống kê được "7 không" cho vùng đất mình cư trú. Họ tự nhận mình là dân 7 không gồm: Không điện, không nước, không nhập khẩu, không tách thửa, không xây dựng, không chuyển nhượng đất, không giấy phép kinh doanh.
Một nhà dân tuềnh toàng trong khu quy hoạch |
“Gia đình tôi về đây cư trú từ năm 1968, khai hoang lập nghiệp có bằng khoán từ chế độ cũ cấp. Những năm sau này, chúng tôi vẫn nộp thuế canh tác hàng năm cho đến khi ngưng vì nói có quy hoạch. Từ khi có quy hoạch đến nay, chúng tôi chỉ được nghe nói, chưa nhận được bất kỳ một văn bản bằng giấy nào từ chính quyền địa phương về chuyện quy hoạch. Cái thể hiện rõ nhất khu đất bị quy hoạch là chính quyền địa phương phong tỏa toàn bộ hệ thống dịch vụ công, phục vụ đời sống tối thiểu của người dân…”, ông Đỗ Văn Hoành, người dân có đất trong quy hoạch KCN Sông Mây, bức xúc.
Theo ông Hoành, từ khi có quy hoạch, đời sống của người dân vốn đã khó lại càng khó. Nguồn điện bị ngưng cung cấp, để có điện người dân phải đi câu nhờ từ những nhà bên kia đường hoặc phải nhập nhờ hộ khẩu để xin đồng hồ điện. Nhiều gia đình phải đi câu lại điện với giá cao gấp nhiều lần để sử dụng. Nước sạch sinh hoạt mới là vấn nạn. Do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên nước giếng chỉ dám sử dụng để tưới cây, giặt đồ, còn nước uống thì phải đi mua lại. Trung bình một khối nước sạch sinh hoạt được người ta chở đến bán với giá 100 ngàn/khối.
“Trăm ngàn cay cực đổ lên đầu tụi tôi. Họ muốn khó khăn như vậy để tụi tôi phải di dời, tại sao lại phải làm như vậy? Chúng tôi ở đây nhiều đời rồi, đâu phải đi chiếm dụng sai phép đâu. Trước đây xã kêu gọi chúng tôi đóng tiền làm số nhà, dân nộp tiền xong chờ hoài không thấy, đi hỏi mới biết là khu quy hoạch không được cấp số nhà. Nếu đã quy hoạch tại sao không giao quyết định, tiến hành hiệp thương với người dân theo quy định pháp luật mà lại đi làm những việc đó?”, ông Hoành thắc mắc.
Chị Trần Thị Tuyết, người dân có đất quy hoạch cho biết, nếu cộng các cái không lại có lẽ nhiều hơn con số 7. Không điện không nước đã đành, nhà xuống cấp, dột nát cũng không được phép sửa chữa, chỉ cần sửa chữa bất kỳ hạng mục nào là cán bộ xã xuống bắt phạt. Để có thể xây dựng, sửa chữa người dân chỉ còn cách làm chui, làm chạy. Sửa chữa đã vậy, việc nhập hộ khẩu còn khó khăn hơn. Do vào cư trú khu vực này đã lâu nên chị Tuyết và người con được nhập hộ khẩu vào vị trí khu đất bị quy hoạch nhưng đến khi chồng chị đi bộ đội về, xin nhập khẩu vào thì cán bộ xã từ chối thẳng do khu đất nằm trong diện quy hoạch.
Cũng do đất quy hoạch nên hạ tầng không được quan tâm, 28 năm nay người dân cứ tự lực cánh sinh, tự thân xoay sở trong môi trường có quá nhiều cái không, quá nhiều cái thiếu thốn.
Tại sao người dân phải cực khổ sống 28 năm trong điều kiện như thế? Chủ trương “phong tỏa” toàn bộ nguồn cung cấp các điều kiện sinh hoạt tối thiểu của dân là từ ai? Theo luật nào? Tại sao lại có khu vực quá nhiều cái không như ở đây? Câu trả lời lại tiếp tục chờ cơ quan có trách nhiệm…
Liên quan vấn đề trên, ngày 3/11, phóng viên đã liên hệ và gửi nội dung thông tin đến UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.