Kết nối giao thương cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội
Với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, Hà Nội đã và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu…
Nhiều hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ đồng được ký kết tại Hội chợ
Năm 2022, Hà Nội đã tổ chức hàng loạt các chương trình kết nối giao thương cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có thể nói thành công nhất và tạo dấu ấn chính là Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 8 tại Hà Nội.
Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội năm 2022 thu hút hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaisia… tham gia. Trong đó có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Hưng Yên, Công ty CP cơ khí chính xác HBT Việt Nam, Công ty CP công nghiệp JK Việt Nam, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty CP Seiko Việt Nam, Tập đoàn máy nén công nghiệp nặng Mitsubishi, Công ty CP NC Network Việt Nam., Công ty TNHHH Nissin Electric Việt Nam, Công ty TNHH Nippon Pump Motor của Nhật Bản, Công ty TNHH Yuwa Việt Nam…
Các sản phẩm của các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu tại hội chợ đều là các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng; Công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022 càng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Những hội chợ kết nối như thế này là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Giúp các doanh nghiệp có được một sân chơi để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế…
Giám đốc Công ty Kyoyo Đặng Trần Thùy - đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm đúc mẫu chảy cho các doanh nghiệp công nghiệp cho biết, Công ty đã gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật, Đài Loan (Trung Quốc). Tham dự Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022, công ty tìm kiếm các đối tác cung cấp máy móc công nghệ tiên tiến. Ngay trong ngày đầu tiên của hội chợ, công ty đã ký kết được hợp đồng mua máy đúc hiện đại của Nhật Bản trị giá gần 2 tỷ đồng.
"Đây chỉ là một trong số rất nhiều giao dịch thành công tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022. Mỗi ngày, Hội chợ có khoảng 20 giao dịch thành công với trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng, đem lại cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp" - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay.
Kết nối doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Tham gia Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022, các doanh nghiệp đều có nhiều kỳ vọng. Giám đốc Công ty CP NC Network Việt Nam Yasuo Uchihara cho biết, NC Network và FNA Group có mạng lưới thông tin doanh nghiệp chế tạo với gần 40.000 hội viên tại Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Tham gia hội chợ lần này, công ty đã có cơ hội gặp gỡ, kết nối giao thương với những đối tác tiềm năng, tạo ra cơ hội phát triển mới sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid.
Đại diện Công ty CP Điện Công nghiệp Việt Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) - lần đầu tiên tham gia hội chợ và đặt khá nhiều kỳ vọng. Ông Nguyễn Phú Hồng Lâm - Giám đốc công ty đánh giá, tham gia hội chợ đều là những khách hàng tiềm năng và có sự kết nối chuyên sâu. Công ty mang đến hội chợ các sản phẩm robot, hệ thống tự động hóa, mong muốn gặp gỡ, tiếp cận được các doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Tuy lần đầu tiên tham gia hội chợ nhưng Công ty CP Điện Công nghiệp Việt Nam đã tiếp cận được với rất nhiều đối tác, khách hàng tiềm năng. Ông Nguyễn Phú Hồng Lâm cho rằng, đây quả thực là một sân chơi bổ ích cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho hay, ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang nỗ lực tận dụng thời cơ trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN. Việc thúc đẩy sự hợp tác, nghiên cứu mở rộng đầu tư, sản xuất và kinh doanh với đối tác quốc tế thông qua những kỳ hội chợ quy mô lớn như thế này là rất cần thiết.
Theo ông Matsumoto Izumi, Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp liên quan tới ngành chế biến chế tạo trên thế giới bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung sự chú ý vào Việt Nam. Tại khảo sát của hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, đối với các doanh nghiệp chế biến chế tạo Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến thu hút nhất trong khối ASEAN để nghiên cứu đầu tư mới cũng như mở rộng kinh doanh.
Về giải pháp để kết nối với đối tác quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Vũ Hồng Quân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ QMS nói: Việc nâng cao công nghệ và tích hợp công nghệ, quản trị trong doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi đây là nhân tố quyết định năng lực, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt. Do đó, Công ty hiện đang làm việc với nhiều đối tác quốc tế từ Singapore, Anh, Australia, Mỹ... trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, tích hợp công nghệ cho doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, thông qua các hoạt động kết nối giao thương, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế. Hoạt động này cũng góp phần giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi việc sản xuất, kinh doanh sau thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19.