Khai báo y tế trung thực là trách nhiệm của mỗi người dân
Khai báo y tế là nghĩa vụ bắt buộc
Trong khi cả nước đang căng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì hiện nay vẫn còn nhiều người đến từ vùng có dịch có hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế quanh co, che giấu lịch trình di chuyển làm ảnh hưởng đến quá trình truy vết, thậm chí khiến cho dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đáng nói, trong số đó có những người nắm giữ những chức vụ quan trọng của các cơ quan, đơn vị.
Trường hợp của BN3634 (Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội - Hacinco) là một ví dụ về việc không thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, trong đó có việc không khai báo y tế.
Ông Nguyễn Văn Thanh (người cầm hoa) tại Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội tháng 8/2013 (Ảnh: Hacinco) |
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) và vợ trở về từ Đà Nẵng sau nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đáng chú ý, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ông Thanh và vợ đã đi lễ, đi họp, liên hoan, tiếp khách, chơi golf... tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.
Đến ngày 8/5, vợ ông Thanh viêm họng đi khám tại Bệnh viện Thu Cúc nhưng bị bệnh viện này từ chối khám vì có lịch sử đi Đà Nẵng. Ngày 11/5, hai vợ chồng tiếp tục đi khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, không khai báo dịch tễ và phát hiện dương tính.
Trước thông tin về ca bệnh phức tạp này, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội đã tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 đối với ông Nguyễn Văn Thanh do vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho biết: Khai báo y tế là nghĩa vụ, trách nhiệm đối của công dân đối với cộng đồng, đặc biệt, đối với những người từng tiếp xúc với người mắc Covid-19.
Việc khai báo y tế được hiểu là người dân cung cấp thông tin y tế cá nhân cho đơn vị nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay có rất nhiều hình thức khai báo y tế, trong đó có phần mềm NCOVI. Khi đăng nhập vào phần mềm khai báo y tế NCOVI, người dân sẽ cập nhật được các thông tin về sức khỏe. Từ đó, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ trong tình huống cần thiết.
Dữ liệu cá nhân của người khai báo sẽ được cung cấp cho cơ quan phòng chống dịch để truy vết những đối tượng tiếp xúc gần. "Chẳng hạn nếu trên chuyến bay nào đó có trường hợp mắc Covid-19 thì những dữ liệu được người đi trên chuyến bay đó sẽ được gửi tới cơ quan phòng chống dịch các địa phương để thực hiện truy vết, xác minh những người có liên quan", ông Hà Anh Đức giải thích.
Sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế liên tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Tại Hà Nội, mới đây sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người tạm trú, tạm vắng... trở lại Hà Nội được yêu cầu bắt buộc phải khai báo y tế. Với những cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, những người đến từ vùng có dịch không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240, Bộ luật Hình sự. Mức phạt tù tối đa đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Khai báo y tế trung thực là trách nhiệm của mỗi người dân |
Bên cạnh đó, người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh Covid-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh Covid-19 bị phạt tối đa 20 triệu đồng.
Theo các chuyên gia y tế, trong thời gian này, người dân cần thực hiện khai báo y tế liên quan đến Covid-19. Cụ thể, khi khai báo y tế, người dân sẽ kê khai các thông tin cơ bản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng sức khỏe và yếu tố dịch tễ của mình trong vòng 14 ngày qua.
Thông tin về sức khỏe liên quan đến Covid-19 gồm các triệu chứng về hô hấp: Ho, sốt, đau rát họng, khó thở, tức ngực... Các thông tin về dịch tễ đi, đến hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19, tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gián tiếp với người tiếp xúc gần, sử dụng các phương tiện công cộng (máy bay, tàu, xe)...
Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế (Bộ Y tế), cho biết, hiện tờ khai y tế dùng vào một số mục đích, thứ nhất là dành cho đối tượng nhập cảnh, thứ 2 là di chuyển nội địa trong nước (có 5 lĩnh vực di chuyển cần khai báo). Tuy nhiên, chủ yếu hiện nay tập trung khai báo y tế trong lĩnh vực hàng không. Bên cạnh đó có khai báo sức khỏe toàn dân và kiểm soát bằng QR Code.
Theo ông Hùng, những khai báo đó đều phục vụ cho công tác phòng chống dịch, truy vết Covid-19. Những thông tin khai báo y tế sẽ được chuyển cho đầu mối là CDC các tỉnh, thành phố để truy vết Covid-19 khi cần.
Bộ Y tế hướng dẫn khai báo y tế bằng QR CodeHướng dẫn khai báo y tế bằng QR Code giúp hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát người dân khi đến và đi trong địa bàn tỉnh, trong phạm vi quản lý của các cơ quan đơn vị. Theo đó, tất cả các địa điểm: Công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code. Người dân phải khai báo y tế bằng QR code khi đi, đến các địa điểm công cộng thông qua các phần mềm ứng dụng app mobile: "Vietnam Health Declaration", "Bluezone", "Ncovi" trên điện thoại di động thông minh. Kết nối liên thông, tích hợp dữ liệu từ các ứng dụng VHD, Ncovi, Bluezone và xây dựng công cụ quản lý, khai thác dữ liệu phục vụ công tác phân tích, truy vết và dự báo dịch để báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương và địa phương. |