Khai mạc ngày hội văn hóa dân tộc gắn với hội thi tuyên truyền
Kon Tum: Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng lần thứ IX năm 2024 Sôi nổi ngày đoàn viên của tuổi trẻ Kon Tum Số hóa “địa chỉ đỏ” để hiểu rõ hơn giá trị lịch sử |
Các nghệ nhân, diễn viên của 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ngọc Hồi trình diễn Cồng chiêng - Xoang (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Phát biểu tại ngày hội, bà Y Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, hướng tới chào mừng kỷ niệm 49 năm Giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại, huyện Ngọc Hồi vinh dự chào đón các Đội Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) về thi diễn.
Hội thi do Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức trùng với thời điểm tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Ngọc Hồi lần thứ V, năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, Ngọc Hồi là nơi sinh sống của 17 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là vùng đất đa sắc màu văn hóa, giàu tiềm năng phát triển du lịch. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, mang bản sắc đặc thù của vùng đất Tây Nguyên. Mỗi cộng đồng dân tộc lại mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng riêng.
“Không gian văn hóa cồng chiêng” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trong thời gian qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Đến nay, Ngọc Hồi là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, có giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ độc đáo như nhà rông, cồng chiêng...; các kho tàng văn hóa dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, làn điệu dân ca đậm đà bản sắc; các lễ hội gắn với “Không gian văn hóa cồng chiêng” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngọc Hồi là vùng đất đa sắc màu văn hóa, giàu tiềm năng phát triển du lịch (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Khai mạc ngày hội là màn hòa tấu cồng chiêng - xoang đặc sắc được thể hiện bởi 8 đoàn nghệ nhân, diễn viên đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ngọc Hồi.
Cũng tại ngày hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và Bình Dương tổ chức Hội thi Tuyên truyền lưu động toàn quốc với chủ đề “Đường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại”.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc đến từ đội tuyên truyền lưu động (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Hội thi được tổ chức, lưu diễn phục vụ Nhân dân từ ngày 20 - 26/4/2024 tại 31 điểm diễn nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của dân tộc; tôn vinh và tri ân công lao cống hiến to lớn của Bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia phục vụ chiến đấu, làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Chương trình nghệ thuật của các đội tuyên truyền lưu động hướng đến chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Tại điểm cầu huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), đội tuyên truyền lưu động các tỉnh gồm: Quảng Ninh, Cao Bằng, Cà Mau, Phú Yên, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân gồm 2 phần: “Đường Trường Sơn - Con đường huyền thoại”; “Viết tiếp bản hùng ca - đường Hồ Chí Minh”.