Số hóa “địa chỉ đỏ” để hiểu rõ hơn giá trị lịch sử
Niềm vui trên huyện biên giới Sa Thầy Tỉnh đoàn Kon Tum khởi động Tháng Thanh niên năm 2024 Sôi nổi ngày đoàn viên của tuổi trẻ Kon Tum |
Lãnh đạo tỉnh cùng Tỉnh đoàn Kon Tum và UBND huyện Đăk Glei trao tặng công trình số hóa Khu Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Biểu tượng tinh thần đấu tranh bất khuất
Trong số những địa chỉ đỏ được số hóa, điển hình là Khu Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei hay còn gọi là Ngục Tố Hữu tại xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum). Trước đây, người dân và du khách muốn tham quan, tìm hiểu phải vượt hàng chục cây số đường đèo quanh co, hiểm trở, vô cùng nguy hiểm.
Đến nay, Tỉnh đoàn Kon Tum đã số hóa Khu Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận khu di tích này.
Anh Nguyễn Thành Hưng, du khách đến từ tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: “Trong chuyến công tác Tây Nguyên, tôi đã vượt đường đèo quanh co, nguy hiểm để tận mắt chứng kiến Khu Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei. Bởi nơi đây từng là nơi giam cầm nhà cách mạng, nhà thơ Tố Hữu.
Đoàn viên, thanh niên quét mã QR tìm hiểu lịch sử khu di tích Ngục Đăk Glei (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Bây giờ, tôi chỉ cần sử dụng chiếc điện thoại smart phone để quét mã QR là có thể quan sát được tổng quan hình ảnh về khu di tích và tìm hiểu lịch sử, hiện vật đang được trưng bày tại đây”.
Theo Tỉnh đoàn Kon Tum, với việc số hóa Khu Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, thế hệ trẻ có thể dễ dàng tìm hiểu về các thông tin, hình ảnh khu di tích một cách đơn giản, thuận tiện và chi tiết.
Ngục Đăk Glei là công trình kiến trúc có hình chữ nhật diện tích khoảng 200m2, gồm 4 phòng. Nằm đối diện ngục Đăk Glei khoảng sân rộng chừng 20m là ngôi nhà một tầng có 2 gian nhỏ, cũng được xây dựng bằng đá, gian bên ngoài là trạm gác, gian còn lại là nhà bếp.
Từ Ngục Đăk Glei đi xuống sườn đồi khoảng 150m là “ngục biệt giam” rộng khoảng 12m2, được xây dựng vào khoảng tháng 2 - 6/1942 ngay sau cuộc vượt ngục của nhà cách mạng yêu nước là Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ.
Tại nhà giam này, không gian vừa ngột ngạt, vừa u ám với đầy xiềng xích, gông cùm... Nằm ở khoảng giữa nhà ngục với khu đồn là căng an trí với các dãy nhà giam được xây dựng bằng tre và gỗ. Mỗi nhà giam có một sạp nằm cho tù binh, đầu quay vào giữa, chân cùm phía ngoài, mỗi sạp khoảng 20 tù binh.
Khu di tích lịch sử Đăk Glei được xem là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, là niềm tự hào của người dân mảnh đất Tây Nguyên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Với việc áp dụng chuyển đổi số sáng tạo, các bạn trẻ rất thuận lợi tìm hiểu về những giá trị lịch sử (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Ngoài ra, Khu Di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cũng đã được Tỉnh đoàn Kon Tum gắn biển công trình số hóa từ tháng 9/2023. Qua đó, người dân, du khách thuận lợi trong việc tìm hiểu về cuộc chiến trường kỳ, đầy hào hùng của quân và dân ta trong cuộc chiến chống Mỹ, trong đó nổi bật là 3 chiến dịch vào các năm 1967, 1969 và 1972.
Chị Phạm Thị Hương, trú tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) cho biết: “Từ ngày Khu Di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được gắn biển quét mã QR, tôi và rất nhiều người dân thuận lợi nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử của khu di tích. Qua đó, chúng tôi hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử hào hùng của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước”.
Đăng ký tình nguyện bằng mã QR
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nên công tác truyền thông, giáo dục đã được Tỉnh đoàn Kon Tum triển khai sâu rộng, chủ động và quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, đa dạng về nội dung và hình thức, có chọn lọc.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh đoàn đã triển khai và chỉ đạo các cơ sở Đoàn đẩy mạnh triển khai công trình, phần việc thanh niên, số hóa địa chỉ đỏ các khu di tích lịch sử cách mạng, điểm du lịch trên địa bàn như: Xe tăng T59 số hiệu 377; điểm cao 601 tại huyện Đăk Hà...
Tỉnh đoàn Kon Tum ra quân hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng điện tử bằng điện thoại thông minh (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Cùng với đó, Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị xây dựng ấn phẩm, bộ công cụ tuyên truyền hiện đại như: Infographic, video clip, phim ngắn, tuyên truyền trên không gian mạng về chuyển đổi số của Đoàn các cấp. Đặc biệt, năm 2024 với chủ đề “Năm Thanh niên tình nguyện”, Tỉnh đoàn đã triển khai tích hợp thông tin đăng ký tình nguyện bằng mã QR.
Do đó, các tình nguyện viên dù ở bất cứ nơi đâu chỉ cần có điện thoại thông minh, quét mã và hoàn thành các biểu mẫu tích hợp sẵn sẽ được tiếp cận các thông tin như thời gian, địa điểm, nhu cầu, nguồn lực cho hoạt động tình nguyện…
Theo Tỉnh đoàn Kon Tum, nhiều mô hình tiêu biểu được các cấp, ngành đánh giá cao như: Mô hình khu dân cư thông minh, khu chợ thông minh, số hóa phân loại rác thải nhựa… Ngoài ra, phong trào “Thanh niên tình nguyện“ do các cấp bộ Đoàn triển khai đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.