Khám phá tinh hoa nghề truyền thống qua triển lãm "Thiên Quang"
Truyền thống gắn bó máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân Việt Nam Embraer tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 |
Lấy cảm hứng từ ánh sáng thiêng liêng của trời và đất soi chiếu lên Thăng Long ngàn năm văn hiến, triển lãm “Thiên Quang” là cuộc hành trình khám phá những giá trị trường tồn trong văn hóa và nghề thủ công truyền thống.
Các tác phẩm tại triển lãm tái hiện hình ảnh các làng nghề nổi tiếng từ Thăng Long xưa như nghề ươm tơ dệt lụa, nghề rèn, nghề chế tác vàng bạc, nghề làm gốm, sơn mài, vàng mã, khắc con dấu, và trồng hoa. Những nghề này không chỉ là cội nguồn kinh tế mà còn là hồn cốt của nền văn hóa Hà Nội.
BTC tặng hoa và bằng khen tới các nghệ sĩ đã đóng góp sức sáng tạo vào triển lãm Thiên Quang |
Đặc biệt, ánh sáng được xem như yếu tố trung tâm của triển lãm, tạo nên một không gian tương tác tự do, phóng khoáng. Các chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, gốm, giấy dó được kết hợp tinh tế với các kỹ thuật hiện đại như sắt, inox, mica, và đèn LED. Sự giao thoa này mang đến một ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, vừa tôn trọng quá khứ, vừa mở rộng tiềm năng cho tương lai.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: "Thành công của những sự kiện văn hóa, truyền thống là sự chung tay và đồng lòng không chỉ của các nghệ sĩ, những người làm văn hóa mà còn là sự ủng hộ nhiệt liệt của cộng đồng, xã hội. Nhờ đó, chúng ta ngày ngày bồi đắp cho nền móng văn hóa nước nhà thêm giàu mạnh, khám phá những hướng đi mới, góc nhìn mới cho các giá trị truyền thống, khai thác một cách hiệu quả nhằm mang đến những thông điệp ý nghĩa cho cộng đồng".
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh |
Tác phẩm sáng tạo và thông điệp văn hóa
"Giọt Hạnh - Tơ Vàng" huyền ảo trong ánh sáng lung linh |
Triển lãm năm nay quy tụ nhiều tác phẩm đặc sắc, mỗi tác phẩm là một câu chuyện về lịch sử, nghề truyền thống và nhân sinh quan của người Việt. Họa sĩ Phạm Hùng Anh gây ấn tượng với tác phẩm tái hiện nghề rèn qua các khối mica trong suốt, hiệu ứng đèn LED và laser, tạo nên một sự đối thoại giữa truyền thống và công nghệ hiện đại.
Cặp đôi họa sĩ Phan Minh Bạch và Hà Phạm trình làng “Giọt Hạnh – Tơ Vàng”, biểu tượng tôn vinh sự cần mẫn và tài hoa của người phụ nữ Việt qua hình tượng thuyền lụa và ánh trăng.
Các đại biểu tham quan triển lãm rất ấn tượng với nhiều tác phẩm sắp đặt kỳ công mang ý nghĩa sâu sắc |
Ngọn lửa rực đỏ từ thời Vua Hùng dựng nước vẫn mãi rực cháy đến ngày nay |
Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng mang đến bộ tác phẩm “Ngũ sắc” lấy cảm hứng từ triết lý ngũ hành, kết hợp hoa văn cổ điển trên giấy dó bồi mâm nhôm, tái hiện giá trị di sản qua hàng triệu nét chấm bút li ti. Nghệ sĩ Vũ Xuân Đông với tác phẩm “Chạm” vẽ tay hoa văn Đông Sơn trên các ngọn đèn hình hạt lúa, khơi gợi ký ức về nghề chạm khắc đồng, bạc.
Ngoài ra, tác phẩm “Giếng Thiên Quang” – sự hợp tác sáng tạo của 9 nghệ sĩ, được thiết kế dưới dạng đèn tròn với các mảnh ghép nghệ thuật thể hiện nghề truyền thống, là điểm nhấn của triển lãm. Tác phẩm không chỉ tôn vinh ánh sáng tri thức mà còn biểu đạt mạch nguồn văn hóa lâu đời của Hà Nội.
Không chỉ là nghệ thuật chạm khắc, hội họa trên nhiều chất liệu, triển lãm còn mang đến một cuộc dạo chơi với ánh sáng kỳ ảo, thổi hồn cho từng đường nét thêm huyền diệu |
Các khán giả chăm chú thưởng lãm những tác phẩm độc đáo |
Giao thoa giữa quá khứ và hiện tại
Triển lãm không chỉ mang đến những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản văn hóa. Theo bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự kiện này là kết tinh của đam mê với di sản văn hóa dân tộc và khát vọng tiếp nối mạch nguồn văn hiến.
Cầu Long Biên được tái hiện đầy nghệ thuật với mỗi khung hình là một thời đại đã qua |
Với sự tham gia của các họa sĩ trẻ, triển lãm “Thiên Quang” không chỉ khơi gợi ký ức về một Thăng Long xưa mà còn truyền tải thông điệp về sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang, một trong những nghệ sĩ tham gia chia sẻ: Sự kiện này mở ra nhiều hy vọng về việc di sản văn hóa và câu chuyện của Hà Nội sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ đến công chúng trong những năm tới.
Triển lãm diễn ra tại khu Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/3/2025. Đây là cơ hội tuyệt vời để công chúng khám phá và chiêm nghiệm vẻ đẹp của di sản văn hóa, cũng như những sáng tạo nghệ thuật đầy sức sống của thời đại.