Khẳng định tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tái hiện hào hùng "Chiến dịch Điện Biên Phủ" bằng công nghệ 3D Sáng tạo chương trình tìm hiểu Chiến thắng Điện Biên Phủ Dấu ấn Điện Biên trong lòng Hà Nội |
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên lịch sử cả nước đánh giá ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; tái định vị sự kiện quan trọng này trong một diễn trình lớn hơn của lịch sử dân tộc, khu vực và thế giới.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia tham dự và đóng góp ý kiến |
Đồng thời, thông qua hoạt động này, các chuyên gia cũng nghiên cứu phát huy các giá trị di sản của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham gia viết bài của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên lịch sử đến từ các cơ quan, đơn vị trong cả nước với tổng số 92 bài viết chất lượng ở 6 chủ đề được tuyển chọn đăng kỷ yếu.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
7 báo cáo nổi bật tại hội thảo đó là: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - thắng lợi của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng” do PGS. TS Nguyễn Văn Nhật - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu; “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Nhân tố quan trọng dẫn đến hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương" do GS. TS Vũ Dương Huân - Học viện Ngoại giao phát biểu.
Đó là: “Xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - toan tính và hy vọng của giới lãnh đạo Pháp - Mỹ trong việc đối phó với cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam” do GS. TS Đỗ Thanh Bình - trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày; “Cuộc chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương và sự khủng hoảng trong mối quan hệ Pháp - Mỹ (1954 - 1955)" do PGS. TS Hoàng Hải Hà - trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày.
PGS. TS Nguyễn Văn Nhật - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo (Ảnh: LĐ) |
Các đại biểu tại hội thảo cũng được lắng nghe “Đóng góp của quân dân Tây Bắc đối với chiến dịch Điện Biên Phủ trong chương trình giáo dục địa phương bậc trung học phổ thông - nghiên cứu trường hợp một số tỉnh Tây Bắc" do TS Tống Thanh Bình - Trường Đại học Tây Bắc thực hiện.
Đặc biệt, báo cáo khá thú vị mang tính ứng dụng thực tiễn, đó là “Ứng dụng thực tế ảo (AR) về di tích quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ” trong dạy học chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 ở trường trung học phổ thông" do PGS. TS Nguyễn Mạnh Hưởng - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham luận.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại Hội thảo |
Ban Tổ chức hội thảo mời họa sỹ Nguyễn Thu Thủy - cháu gái nhà văn Thiếu tướng Hồ Phương phát biểu về vai trò của văn học nghệ thuật trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Họa sỹ Thu Thủy đã dẫn chứng bằng chính cuộc đời cầm bút và chiến đấu của nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương khi để lại những trang văn vô cùng sinh động, chân thực và lôi cuốn mô tả những khoảnh khắc khốc liệt của trận chiến Điện Biên Phủ.
Đó là lòng quả cảm gan dạ sẵn sàng hy sinh thân mình của các chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ, những sáng kiến thông minh trong chiến thuật chiến đấu của từng đại đội, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy mặt trận.
Đó là tình đồng đội gắn bó keo sơn, ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn quân, toàn dân… Tất cả đã tạo nên sức mạnh phi thường của cả dân tộc để đánh gục kẻ thù giành chiến thắng vang dội.
Các báo cáo tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo tiếp tục khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX.
Đối với dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), mở ra giai đoạn phát triển mới của lịch sử Việt Nam hiện đại.
Đối với thế giới, Chiến thắng Điện Biên Phủ có vị trí đặc biệt trong lịch sử chính trị, quân sự và quan hệ quốc tế thế kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi của phong trào giải phóng dân tộc, góp phần vào quá trình xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.