Khi nhà trường và doanh nghiệp “bắt tay”: Hun đúc ý chí khởi nghiệp cho sinh viên ngay trong trường
Đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với doanh nghiệp là xu hướng tất yếu của các trường hiện nay. Sự kết hợp này sẽ có lợi cho cả đôi bên. Nhà trường có thêm kinh nghiệm, tư liệu để áp dụng vào quá trình đào tạo, phát triển nhà trường; còn phía doanh nghiệp có thêm nguồn nhân lực tham gia vào phát triển sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục phát triển Nhân lực cho rằng, lâu nay, nhiều người vẫn nói sinh viên Việt Nam giỏi lý thuyết nhưng kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp vẫn còn hạn chế. Do đó sự kết hợp "2 nhà" nêu trên sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội. Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên tham gia cùng nhà trường trong việc tạo môi trường khởi nghiệp ngay trong trường...
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp hỗ trợ để sinh viên thâm nhập ngay từ quá trình đi học thì khi ra trường sinh viên tiếp cận nhanh hơn, bớt được thời gian trống hay đào tạo lại. Cái cần nhất của nhà trường và doanh nghiệp là hun đúc ý chí cho sinh viên để khởi nghiệp chứ không phải chỉ cho sinh viên làm cái gì.
Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, nhà trường sẽ đáp ứng theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở...
"Đặc biệt, chúng tôi xác định đường đi ngắn nhất để nhà trường phát triển bền vững chính là định hướng của một trường đại học theo hướng ứng dụng, gắn với doanh nghiệp; sinh viên ra trường phải đạt đến độ chuyên nghiệp ở lĩnh vực mình được đào tạo. Chúng tôi cũng xác định: Chất lượng của sinh viên ra trường có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không cũng chính là tiêu chí, là thước đo để chúng tôi đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường" - tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp cho hay.
Cũng theo tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp, không chỉ cử sinh viên, học viên đi thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp mà nhiều khóa học, nhà trường đã tổ chức ngay tại các đơn vị đặt hàng là công ty, doang nghiệp. Qua đó người học không những được trải nghiệm thực tế mà còn lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích. Mặt khác, đội ngũ giảng viên có thêm được kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.
Ths. Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện Lạnh Hà Nội cho biết, hiện nhà trường đã ký kết hợp đồng phối hợp thực tập, tuyển dụng với trên 30 doanh nghiệp, cam kết tiếp nhận sinh viên của trường đến làm việc sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, tất cả các chương trình đều có 3 đợt thực tập đối với hệ cao đẳng và 2 đợt đối với hệ trung cấp. Nội dung thực tập gồm: Trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, thực tập chuyên ngành, thực tập tốt nghiệp. Mỗi đợt thực tập, sinh viên không được tham gia trực tiếp vào công việc mà còn được hưởng mọi chế độ ưu đãi của doanh nghiệp theo đúng hợp đồng ký kết với nhà trường như: Chế độ ăn, ở, bảo hiểm, xe đưa đón và hưởng lương từ 4-6 triệu đồng/tháng.
"Vì thế khi "2 nhà": Nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng tham giao vào quá trình đào tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho sinh viên mà còn cho sự phát triển của nhà trường và doanh nghiệp" - thạc sỹ Phạm Tiến Dũng khẳng định.