Khi từ thiện bị mang ra để trục lợi...
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo kêu gọi từ thiện thông qua mạng xã hội Ý kiến luật sư nói về những lùm xùm quanh chuyện ca sĩ Thủy Tiên |
Đã đến lúc cần luật hóa công tác từ thiện
Gần đây, sau khi công luận lên tiếng phải đến cả nửa năm, hàng chục tỷ đồng từ thiện đến bà con vùng lũ mới được một nghệ sĩ nổi tiếng vội vàng giải ngân. Trước đó thì câu chuyện này cùng nhiều vụ việc lùm xùm khác cũng đã gây bức xúc dư luận trong thời gian dài. Một câu hỏi được đặt ra, làm từ thiện cần phải như thế nào? Người quyên góp, kêu gọi quyên góp và triển khai những đóng góp ấy cần phải có những trách nhiệm, kỹ năng gì bên cạnh lòng hảo tâm?
Ca sĩ Bảo Thy trao gần 1.000 phần quà bằng tiền mặt cho bà con bằng quỹ cá nhân, quyết không kêu gọi hay nhận quyên góp từ bất kỳ ai. Nữ ca sĩ nhận rất nhiều lời khen từ cộng đồng mạng bởi cách làm từ thiện có tâm và tinh tế khi chia tiền ra từng phong bì nhỏ, cúi đầu lễ phép chào từng người dân khi trao quà |
Trước sức ép của dư luận, NSƯT Hoài Linh đã chính thức gửi lời xin lỗi tới công chúng và người dân miền Trung. Cuối tháng 10 năm ngoái, nghệ sĩ này đã kêu gọi khán giả đóng góp giúp đồng bào miền Trung, khắc phục hậu quả bão lũ. Số tiền kêu gọi được, theo như nghệ sĩ này công bố là hơn 14 tỷ đồng nhưng sau 6 tháng, mùa lũ đã qua từ lâu mà tiền cứu trợ vẫn chưa đến được nơi cần đến. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, Hoài Linh mới vội vàng chuyển cho Ủy ban MTTQ của một số địa phương để “chữa cháy” và biện minh bằng nhiều lý do không thuyết phục.
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa của Quốc hội nói: “Chúng ta làm gì cũng phải có sự chuyên nghiệp, minh bạch. Chính vì thế, làm từ thiện tuy là điều tốt đẹp nhưng đôi khi không hề đơn giản vì còn phải đảm bảo được cả yếu tố pháp luật”.
Ngược lại với sự chậm trễ của Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên đã xông pha vào vùng lũ ngay từ những ngày đầu. Cũng như nghệ sĩ Hoài Linh lấy lý do ủng hộ người dân miền Trung bị thiệt hại do bão lũ, Thủy Tiên đã kêu gọi được khoản tiền kỷ lục mà theo như cô ca sĩ này công bố gần 180 tỷ đồng. Sự nỗ lực của cô được cộng đồng rất trân trọng. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch của dòng tiền khi hàng trăm tỷ đồng chỉ được cô kê khai bằng một tờ giấy A4 viết tay với những xác nhận chung chung.
Trước sức ép của dư luận, mới đây, vợ chồng Công Vinh, Thủy Tiên đã tiến hành sao kê toàn bộ khoản tiền này và livestream công bố trên mạng xã hội. Tuy nhiên, dường như việc sao kê này là chưa đủ khi trên mạng vẫn còn xuất hiện các nhóm antifan vẫn kiên trì yêu cầu Thủy Tiên giải trình về những bất hợp lý trong việc kê khai hóa đơn, chứng từ.
Thạc sĩ Trần Hồng Tình thuộc Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng: “Việc công khai các hóa đơn, chứng từ, sao kê của một số nghệ sĩ làm từ thiện trong thời gian gần đây là việc nên làm. Thứ nhất, việc công khai sao kê các hóa đơn, chứng từ có thể giúp cho cá nhân nghệ sĩ bảo vệ được uy tín, danh dự của chính mình. Thứ hai, việc đó sẽ làm giảm được sức ép dư luận xã hội. Thứ ba, tạo niềm tin đối với người dân, người hâm mộ khi gửi gắm niềm tin vào các nghệ sĩ trong việc làm từ thiện”.
Cũng trong thời gian qua, diễn viên Trấn Thành cũng phải xin lỗi các “Mạnh Thường Quân”. Lý do là các khoản tiền được chuyển tới địa chỉ khác với kế hoạch ban đầu nhưng anh đã không kịp thời thông báo cho họ.
Không chỉ Trấn Thành, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Hồ Ngọc Hà và mẹ của cô… được cho là không công khai, minh bạch số tiền do người dân, các “Mạnh Thường Quân” ủng hộ, chuyển vào tài khoản cá nhân.
Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, cụm từ “sao kê” là từ khóa được nhiều người tìm kiếm trên Google. Trên diễn đàn mạng xã hội, một số người đã có đơn tố cáo các cá nhân kêu gọi từ thiện.
Việc đúng hay sai, mức độ chịu trách nhiệm như thế nào hãy để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Tuy nhiên, một điều ai cũng nhìn thấy, đó là uy tín, là danh dự của các văn nghệ sĩ đã bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí còn bị tẩy chay. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho việc làm từ thiện dù ở cấp độ nào cũng rất cần sự công khai, minh bạch, rõ ràng các khoản thu chi, tạo niềm tin, sự yên tâm cho những người đã tin tưởng, trao gửi tiền bạc, tình cảm của họ.
Lừa đảo từ thiện - một loại tội phạm mới
Rất nhiều người nhìn những mái nhà chìm trong nước lũ, những mảnh đời khốn khó vì bệnh tật đã không ngần ngại chuyển khoản ngay cho người này, người kia đang kêu gọi đóng góp mà không biết, thậm chí không quan tâm số tiền ấy sẽ được sử dụng như thế nào, chuyển cho ai… Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ lừa đảo đã xuất hiện. Lừa đảo từ thiện trở thành tội phạm mới hiện đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Đối tượng Trần Văn Lâm bị bắt về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" |
“Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam”, “Chia sẻ vì người nghèo”, “Phật tại tâm”… là những trang mạng xã hội do đối tượng Trần Văn Lâm (SN 1988, trú tại tỉnh Hà Nam) tạo lập với mục đích kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Với thủ đoạn này, từ tháng 9/2020 đến tháng 3/2021, Lâm đã lừa đảo và chiếm đoạt của các nhà hảo tâm khoảng 6,6 tỷ đồng. Không chỉ tạo dựng những câu chuyện thương cảm, chúng còn tự biến mình thành nạn nhân, vẽ ra những kịch bản bi thương của số phận để lừa đảo, trục lợi từ lòng tốt của người khác.
Hết tô vẽ về bản thân, các đối tượng còn tiếp cận lòng tin của các nhà hảo tâm bằng hình ảnh của người nổi tiếng. Mới đây, cố ca sĩ Phi Nhung đã bị một tài khoản Facebook mạo danh đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ nữ ca sĩ điều trị Covid-19. Mục đích nhằm vào các fan của ca sĩ Phi Nhung. Để tạo lòng tin, chúng đã làm giả lệnh chuyển tiền của người ủng hộ vào tài khoản người quản lý của cố ca sĩ Phi Nhung.
Thượng tá Đỗ Thái Huy, Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: “Thời gian gần đây, một số đối tượng xấu lợi dụng lòng tin của các nhà hảo tâm đã thực hiện những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện trên mạng Facebook và internet. Thủ đoạn của các đối tượng xấu là lập các trang fanpage lấy thông tin của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đăng tải thông tin trên mạng xã hội kêu gọi lòng từ thiện của các nhà hảo tâm. Sau đó, chúng đưa thông tin tài khoản cá nhân để nhận tiền, hòng chiếm đoạt tài sản”.
Cũng với chiêu trò mạo danh, chúng còn xưng là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, CDC, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… chủ động liên lạc với người dân để tư vấn phòng ngừa, điều trị Covid-19, kêu gọi quyên góp quỹ vắc xin. Đã có không ít người nhẹ dạ, cả tin vội vàng khai báo từ những đường link, hậu quả là mọi thông tin cá nhân đã bị kẻ xấu chiếm đoạt.
Thượng tá Đỗ Thái Huy nói: “Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật và đã được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thời gian qua, các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu gia tăng. Chúng tôi khuyến nghị người dân cần nêu cao cảnh giác, thận trọng khi thực hiện các hoạt động từ thiện".
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đang tăng cường rà soát, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo tiền từ thiện qua mạng xã hội. Đồng thời, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; Yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin; Nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, các đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.