Khổ sở vì mua trái phiếu Tân Hoàng Minh do tin nhân viên ngân hàng: ABBank nói gì?
Theo đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) khẳng định không có bất kỳ hoạt động cho vay đầu tư hay thực hiện bảo lãnh đối với trái phiếu Tân Hoàng Minh hoặc các công ty liên quan.
Đồng thời, ABBank cũng không có chủ trương cung cấp dịch vụ tư vấn và không có bất cứ cơ chế nào để khuyến khích cán bộ nhân viên của ngân hàng thực hiện tư vấn cho khách hàng đối với trái phiếu của Tân Hoàng Minh hoặc các công ty liên quan.
Trường hợp người giới thiệu tên Phương được nhắc trong phóng sự phản ánh của báo chí, ABBank chưa xác định người này hiện có phải là nhân viên của ngân hàng hay không.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, ABBank khẳng định, mọi giao dịch tư vấn là nằm ngoài ngân hàng và không thuộc chủ trương của nhà băng này. Vì vậy, đây là mối quan hệ tư vấn giữa các cá nhân.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, hoạt động chính của ABBank tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về gần 828 tỷ đồng thu nhập lãi thuần; Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 620 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Trong quý đầu năm 2022, ABBank giảm 63% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích hơn 44 tỷ đồng, do đó, kết quả ngân hàng báo lãi trước thuế tăng 20%, đạt gần 576 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với kế hoạch 3.079 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, ABBank đã thực hiện được 19% sau quý đầu năm.
Tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản của ABBank tăng 6% so với đầu năm, lên mức 128.599 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 72%, còn 1.215 tỷ đồng; Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 53%, lên mức 25.817 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tăng 6%, đạt 73.436 tỷ đồng...
Nợ xấu tính đến ngày 31/3/2022 của ABBank ghi nhận 1.701 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với đầu năm, trong đó, nợ nghi ngờ tăng 15% lên 480,1 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn tăng 5% lên 908,1 tỷ đồng.
Do cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh hơn nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 2,34% đầu năm xuống còn 2,32%.