Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội “vượt bão”
Biến thách thức thành cơ hội
Dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất hoặc phá sản tăng mạnh. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc…
Ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội) giới thiệu Hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội |
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Để vượt qua thử thách này, nhiều doanh nghiệp đã và đang nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch toàn cầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.
Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của TP Hà Nội đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Các doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
Nhờ vào ứng dụng khoa học công nghệ, một số start-up đã thành công trong việc tạo ra các ứng dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa hay tư vấn vấn đề pháp lý online, các ứng dụng giáo dục trẻ em… Những ứng dụng này không ngừng được phát triển và có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội và được thị trường đón nhận.
“Phao cứu sinh” hỗ trợ các start-up
Ông Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: “Giữa vô vàn những khó khăn, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương tận dụng tốt nhất những cơ hội giữa những thách thức COVID-19 mang lại.
Mặc dù có nhiều ngành sẽ chịu khó khăn và thiệt hại nặng nề nhưng trong đó có những ngành sẽ phát triển tốt hơn như công nghệ thông tin, các start-up có thể tận dụng lợi thế của mình để nghiên cứu các mô hình sản phẩm mới”.
Ông Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Nói về những điểm sáng của cộng đồng khởi nghiệp Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Lương cho biết “Cùng với sự chung tay hỗ trợ của thành phố, Đề án 4889 “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vượt lên những khó khăn và biến nó thành những cơ hội để phát triển.
Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các start-up đổi mới sáng tạo đã được thành phố ban hành sau khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn liên quan. Bên cạnh đó, đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 cũng đã phát huy hiệu quả hỗ trợ hiệu quả.
Tuy triển khai vào giai đoạn rất khó khăn của cả nước cũng như TP Hà Nội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng các đơn vị liên quan đến đề án vẫn quyết liệt vào cuộc và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, các hoạt động hỗ trợ trong năm vừa qua đã được các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông… triển khai cụ thể.
Riêng đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm qua, các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cho các cá nhân, các nhóm dự án khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn cho các dự án được tổ chức thường xuyên”.
Cộng đồng khởi nghiệp của Thủ đô duy trì hoạt động qua các kênh online, sự kiện trực tuyến |
Doanh nghiệp thành lập mới được thành phố hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, phí chuyển phát nhanh kết quả thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, kinh phí dịch vụ chứng thực chữ ký số trong 1 năm đầu hoạt động, kinh phí khởi tạo, cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử kèm gói 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới; Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến...”.
Hoạt động huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đã bước thêm được một bước tiến quan trọng kể từ khi có đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Trong đó, giải pháp hỗ trợ về tài chính, bên cạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nghiên cứu cấp bảo lãnh tín dụng.
Về thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, ngoài hỗ trợ tư vấn, thành phố miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu; Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất.
Để thúc đẩy liên kết ngành, chuỗi giá trị, thành phố miễn phí tra cứu thông tin, hỗ trợ chi phí thuê gian hàng tại hội chợ thương mại, chi phí hợp đồng quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ chi phí đo, kiểm tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn…