Khởi nghiệp sáng tạo lĩnh vực công nghệ - xu hướng trong mùa dịch
Cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội có nhiều “điểm sáng” “Cái nôi” hỗ trợ sinh viên Thủ đô khởi nghiệp “Phao cứu sinh” cho các start-up khởi nghiệp mùa dịch Covid-19 |
Có thể thấy, phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của công nghệ.
Công nghệ thông tin phù hợp để khởi nghiệp mùa dịch
Anh Lê Hùng, Giám đốc một start-up thực phẩm sạch cho rằng, việc sử dụng những ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các khâu như quản lý sổ sách, hành chính văn phòng, chăm sóc khách hàng… giúp công ty tiết kiệm 50% nhân sự và chi phí so với dự tính.
Thực tế, cộng đồng start-up với hệ thống sản phẩm CNTT khởi nghiệp sáng tạo rất được quan tâm và hỗ trợ. Điều này mở ra cơ hội cho start-up công nghệ được thử sức mình trong một sân chơi lớn, có cơ hội được hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.
Hoạt động của nhóm tác giả dự án khởi nghiệp sáng tạo Đại học Mở Hà Nội |
Có thể nói, việc khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT thực sự là xu thế, phù hợp trong bối cảnh mùa dịch.
Đơn cử như trong 8 dự án khởi nghiệp hiện được bình chọn nhiều nhất của Đại học Mở Hà Nội trong tháng 9/2021 thì 7/8 dự án trong lĩnh vực CNTT. Theo đó, dự án “App Kids Art - Ứng dụng mỹ thuật cho trẻ nhỏ” đang đứng đầu với hàng chục nghìn lượt bình chọn.
App Kids Art hướng đến giải quyết nhu cầu học tập và giải trí của trẻ trong thời đại 4.0, đặc biệt trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
App hỗ trợ kiến thức, kỹ năng theo giáo trình của trường học (học bảng chữ cái, ghép từ, làm toán, học chữ số…), tham gia nhiều hoạt động giải trí qua các tính năng (tô màu theo chủ đề, xếp hình, vẽ tranh tự do…).
Giao diện đơn giản của App Kids Art |
App Kids Art sẽ là nơi gắn kết tình cảm gia đình, trẻ và bố mẹ cùng tham gia các hoạt động, trò chơi trên app.
Ngoài ra, bố mẹ có thể quản lý thời gian con sử dụng app qua tính năng cài đặt thời gian, nắm bắt được những hoạt động, nội dung con đã tham gia bằng cách liên kết với tài khoản của mình.
Sản phẩm có thiết kế đơn giản, dễ dàng thao tác, cơ cấu chi phí, giá thành hợp lý; Nội dung đa dạng và an toàn (6 tính năng chính, gần 20 chủ đề, hơn 250 bức tranh).
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến nhiều trẻ em phải học ở nhà trong thời gian dài, buồn chán, thiếu không gian vui chơi và học tập cùng bạn bè, nên Art Kids là một trong những sự lựa chọn hiệu quả với những khoảng thời gian dài trẻ phải ở nhà như vậy.
Bạn Bùi Thị Thanh Huyền đại diện nhóm start-up “App Kids Art” chia sẻ: “App mỹ thuật Kids Art là ứng dụng trên thiết bị thông minh (smart phone, tablet...), có thiết đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với trẻ em từ 3 - 6 tuổi. App giúp các bạn nhỏ có thể vừa học tập, rèn luyện những kỹ năng ở trường học và kết hợp hình thức giải trí lành mạnh ở bất cứ thời gian, địa điểm nào, đồng thời khơi dậy niềm đam mê, yêu thích sáng tạo về nghệ thuật".
Khởi nghiệp từ đồng hồ thông minh cho người khiếm thính
Tại vòng bán kết cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Start-up Kite 2021 - tổ chức vừa qua, dự án đồng hồ thông minh hỗ trợ người khiếm thính (SOSA) được các bạn sinh viên tại Cao đẳng FPT Polytechnic giới thiệu.
Bạn Nguyễn Hương Giang, trưởng dự án SOSA - chia sẻ: "Đồng hồ này khắc phục sự bất tiện của các sản phẩm khác, không phải thông qua một sản phẩm phụ trợ. Từ mô hình 3D, nhóm sẽ vận động để đưa sản phẩm ra thị trường". Theo trình bày của nhóm, tính khả thi của dự án là 90%.
Thực tế, những năm gần đây đồng hồ thông minh đã khá quen thuộc với người dân, tuy nhiên, sản phẩm như trên lại chưa có nhiều trên thị trường. Sản phẩm tương tự đồng hồ thông minh cho người khiếm thính thì khá cồng kềnh và chưa có thiết bị đeo tay như thế.
Khắc phục nhược điểm này, đồng hồ thông minh cho người khiếm thính được nhóm cải tiến hướng tới tiêu chí gọn và tiện dụng.
Bạn Nguyễn Hương Giang, thành viên đội thi trường Cao đẳng FPT Polytechnic trình bày dự án “đồng hồ thông minh cho người khiếm thính”. |
Cơ chế hoạt động của sản phẩm là người khiếm thính sẽ tiếp nhận giọng nói từ người ngoài thông qua đồng hồ thông minh đeo tay. Chiếc đồng hồ sẽ hiển thị phụ đề để cho họ biết được người ta đang giao tiếp cái gì.
Bên cạnh đó, chiếc đồng hồ này có cảnh báo rung khi người khiếm thính đến các khu vực đông đúc hoặc không an toàn.
Ngoài ra, nó còn có những chức năng xem thời gian, lịch, đo nhiệt độ, thời tiết, nhịp tim... Dự kiến, một chiếc đồng hồ thông minh dành cho người khiếm thính có giá từ 1,7 triệu trở lên.
Em Vũ Thế Huynh, một thành viên khác của nhóm “đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” cho biết, quá trình từ lên ý tưởng, thiết kế 3D, xây dựng dự án… hoàn toàn là do các thành viên trong đội thực hiện. Các thầy cô trong trường là người đánh giá, nhận xét, không hề can thiệp vào quá trình sáng tạo.
“Đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” là một trong số dự án khởi nghiệp gây ấn tượng với Ban Giám khảo cuộc thi. Đây được đánh giá là dự án khởi nghiệp mang tính khả thi cao, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh mùa dịch với giá cả cạnh tranh.
Thực tế trên một lần nữa khẳng định, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng nền tảng công nghệ số giải quyết các vấn đề cụ thể của thực tiễn dù đã có hiệu quả hay mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, sáng kiến, hiến kế… đều được đón nhận rất nhiều.
Điều này cho thấy, việc tận dụng cơ hội do cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 mang lại cũng chính là bước ngoặt lớn đối với các start-up khởi nghiệp sáng tạo.