Cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội có nhiều “điểm sáng”
Hỗ trợ doanh nghiệp start-up vượt “bão”
Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 được phê duyệt tại Quyết định 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019 tiếp tục được các cấp, ngành triển khai với nhiều chính sách mạnh mẽ hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đó, thành phố Hà Nội tiếp tục vận hành hiệu quả mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động sáng tạo, tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư cho các dự án khởi nghiệp.
“Bước chân” vào lĩnh vực khởi nghiệp, các cá nhân, đơn vị có thể chủ động tìm hiểu thông tin, sự hỗ trợ cần thiết tại cổng thông tin doanh nghiệp, trang thông tin điện tử công nghiệp và doanh nghiệp công nghệ thông tin thành phố Hà Nội.
Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư ký kết các thỏa thuận hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp với các trường đại học |
Bên cạnh đó, các chương trình tập huấn, cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp cũng sẽ được tiến hành, bảo đảm chất lượng nhưng chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến để phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp...
Ông Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các start-up đổi mới sáng tạo đã được thành phố ban hành sau khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn liên quan. Bên cạnh đó, đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 cũng đã bắt đầu triển khai thực hiện được hơn một năm.
Tuy triển khai vào giai đoạn rất khó khăn của cả nước cũng như TP Hà Nội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các đơn vị liên quan đến đề án vẫn quyết liệt vào cuộc và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, các hoạt động hỗ trợ trong năm vừa qua đã được các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông… triển khai cụ thể.
Riêng đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm qua, các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cho các cá nhân, các nhóm dự án khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn cho các dự án được tổ chức thường xuyên.
Kết quả, khoảng hơn 100 học viên đối tượng cá nhân khởi nghiệp sáng tạo và 100 cố vấn khởi nghiệp sáng tạo (mentor). Sở cũng xúc tiến phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ chuyển giao khởi nghiệp, thử nghiệm sản phẩm, tham gia các cuộc thi trong nước”.
Chuyển hướng kinh doanh, nhiều start-up “sống khỏe” trong đại dịch Covid-19
Giữa vô vàn những khó khăn, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương tận dụng tốt nhất những cơ hội giữa những thách thức Covid-19 mang lại.
Mặc dù có nhiều ngành sẽ chịu khó khăn và thiệt hại nặng nề nhưng trong đó có những ngành sẽ phát triển tốt hơn như công nghệ thông tin, các start-up có thể tận dụng lợi thế của mình để nghiên cứu các mô hình sản phẩm mới.
Nói về những điểm sáng của cộng đồng khởi nghiệp Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Lương cho biết “Cùng với sự chung tay hỗ trợ của thành phố, Đề án 4889 “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vượt lên những khó khăn và biến nó thành những cơ hội để phát triển.
Trong những tháng đầu năm 2021 với việc hạn chế tụ tập và hoạt động trực tiếp, giãn cách xã hội, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của mình qua các kênh online, hoạt động, sự kiện trực tuyến. Bên cạnh đó, họ duy trì nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm tại các vườn ươm hay cơ sở start-up của mình.
Ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) giới thiệu Hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội |
Đặc biệt, nhiều start-up lớn vẫn có sự liên kết hỗ trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, đằng sau những con số thống kê doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động giải thể, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng trên cơ sở khó khăn, thách thức mà đại dịch mang lại.
Các start-up cũng đã có những nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ theo hướng tận dụng thành tựu công nghệ hiện nay để có thể tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới có thể cung cấp cho người tiêu dùng trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, giãn cách do đại dịch”.
Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã quan tâm đến việc thúc đẩy chuyển đổi số và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Các doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
Nhờ vào ứng dụng khoa học công nghệ, một số start-up đã thành công trong việc tạo ra các ứng dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa hay tư vấn vấn đề pháp lý online, các ứng dụng giáo dục trẻ em… Những ứng dụng này không ngừng được phát triển và có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội và được thị trường đón nhận.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |